Giải quyết nghịch lý cung - cầu lao động

Cập nhật: 11-07-2013 | 00:00:00

Cách đây vài năm, khi nền kinh tế đất nước chưa gặp khó khăn do tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp (DN) luôn “than” thiếu trầm trọng cả lao động (LĐ) giản đơn và LĐ có tay nghề; còn hiện nay, nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn, không ít DN đã phải phá sản, ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, kéo theo đó là nhiều LĐ bị mất việc.

Đó là một thực tế, vậy nhưng, trong điều kiện khó khăn như thế, nhiều DN hiện vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhiều LĐ. Cụ thể nhất là đối với các DN hoạt động ở khu vực phía Nam. Thống kê mới đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, hiện tỉnh Bình Dương cần tới 70.000 LĐ, TP.HCM cần khoảng 65.000 LĐ, Đồng Nai cần 60.000 LĐ, Long An cần 15.000 LĐ …

Một nghịch lý nữa là, nguồn LĐ trẻ tại khu vực phía Nam hiện chiếm gần 1/3 so với cả nước nhưng ở đây lại đang có số LĐ thất nghiệp xếp vào loại cao nhất cả nước. Theo thống kê của các ngành chức năng, kinh tế khó khăn khiến tỷ lệ thất nghiệp vùng Đông Nam bộ cao gấp 1,8 lần, còn khu vực đồng bằng sông Cửu Long cao gấp 2,5 lần so với cả nước. Bên cạnh điệp khúc “thừa LĐ giản đơn, thiếu LĐ có tay nghề”, ở khu vực phía Nam còn xảy ra tình trạng các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ thiếu LĐ vì nơi đây có nhiều công ty, xí nghiệp hoạt động, trong khi ở đồng bằng sông Cửu Long LĐ lại dôi dư do ít DN đến đầu tư làm ăn.

Nghịch lý cung - cầu LĐ là câu chuyện không phải là mới, các cấp, các ngành đã thấy và vào cuộc rất quyết liệt với nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài được thực hiện và mang lại kết quả bước đầu. Vấn đề là ở chỗ, phải giải quyết được bài toán việc làm và đào tạo nghề theo định hướng; ngành chức năng phải sâu sát thực tế, đồng hành nhiều hơn với DN để xem họ cần ngành gì, nghề gì, đồng thời phải biết dự báo sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế một cách khoa học để định hướng đào tạo nghề phù hợp, đào tạo ngành nghề mà DN và đất nước thật sự cần. Bên cạnh đó, phải nâng cao chất lượng tay nghề để người LĐ dễ dàng tìm được công việc mới; các địa phương cần thay đổi nhận thức về học nghề, cơ sở dạy nghề cũng như chủ trương chính sách về đào tạo nghề, dạy đúng địa chỉ, dạy để người LĐ có việc làm chứ không phải dạy để có tay nghề. Về phía DN, cũng cần liên hệ thường xuyên với ngành chức năng, địa phương và các trường đào tạo nghề để phối hợp định hướng đào tạo nghề cho người LĐ, bảo đảm khi người LĐ ra trường có việc làm ổn định, còn DN cũng có được nguồn LĐ mình cần, đóng góp cho sự phát triển của đơn vị và đất nước.

HOÀNG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=307
Quay lên trên