Giảm ai, ai giảm?!

Cập nhật: 27-11-2013 | 00:00:00

Mặc dù phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã đi qua đúng một tuần, nhưng con số 1% hay 30% cán bộ, công chức (CBCC) không làm được việc vẫn tiếp tục làm nặng lòng các đại biểu Quốc hội. Mặc dù vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau về con số, nhưng điểm chung của đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội là đồng tình với nhận định, hiện có rất nhiều CBCC không làm được việc hoặc không biết việc để làm!

Đi sâu phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, không ít ý kiến cho rằng đó là hệ quả của việc ưu tiên tuyển dụng con em trong ngành; là chuyện nể nang gửi gắm người thân và nhức nhối hơn là tiêu cực trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm CBCC. Chúng ta vẫn chưa quên câu chuyện Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội phát biểu công khai tại kỳ họp HĐND thành phố, rằng: “Chạy một suất công chức ở Hà Nội không dưới 100 triệu đồng”! Những tiêu cực và cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm dễ dãi nói trên là nguyên nhân chính dẫn đến sự dư thừa, kém hiệu quả của bộ máy cơ quan Nhà nước.

Sự lãng phí từ tình trạng CBCC không làm được việc không chỉ ở hệ thống tiền lương phải chi trả, mà còn biểu hiện ở sự thiệt thòi khi người dân chưa được sử dụng dịch vụ hành chính công một cách xứng đáng bởi thiếu vắng những người giỏi việc. Để giải quyết tình trạng dư thừa người dở, thiếu vắng người giỏi trong bộ máy, nếu là đơn vị tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài, họ sẽ loại bỏ ngay những người không làm được việc, tuyển chọn người có năng lực đảm đương công việc. Còn đối với cơ quan Nhà nước, chuyện không hề dễ bởi phải giảm ai và ai giảm?

Trong một cơ quan, giảm ai là chuyện dễ thấy và người đứng đầu cơ quan có quyền ra quyết định, nhưng hãy thử lắng nghe tâm sự của một thủ trưởng đơn vị để biết cái khó của những người đứng đầu một cơ quan Nhà nước: “Trước đây, tôi làm thủ trưởng một đơn vị. Khi tôi về đó nhận nhiệm vụ thì người tiền nhiệm đã tuyển dụng thêm nhiều người, trong đó một số là con cháu của họ. Tôi không thể giảm bớt người bởi họ sẽ kiện, sẽ oán hận tôi. Tôi cũng không thể tuyển thêm người, kể cả tuyển người có chất lượng cao hơn bởi hết biên chế rồi. Với cơ chế hiện nay rất khó giảm người, bởi cuối năm bình bầu cán bộ, đảng viên, công chức thì dường như 100% đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”!

Thực tế đã có nhiều đợt Nhà nước đưa ra chủ trương giảm biên chế để tinh gọn bộ máy, nhưng kết quả thì bộ máy ngày càng phình ra, quỹ tiền lương vẫn cứ tăng thêm! Còn nhớ năm 2001, Thủ tướng ban hành quyết định tinh giản 15% biên chế. Kết quả kiểm tra sau đợt tinh giản biên chế đó là cả nước không những không tinh giản được phần trăm biên chế nào mà còn tăng số lượng công chức lên thêm hơn 10%!

Nếu không dựa trên yêu cầu công việc mà bố trí con người; nếu không sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá CBCC cụ thể, phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực; nếu không mạnh dạn thực hiện cơ chế “có vào, có ra” để đẩy lùi căn bệnh yếu kém năng lực, thì dù có hô hào, kêu gọi đến mấy, tình hình CBCC không làm được việc chắc chắn vẫn còn tiếp diễn!

 HÀN NGÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên