Giữ sự công bằng trong học đường...

Cập nhật: 22-10-2012 | 00:00:00

Việc trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Nội) và một số trường công khác tổ chức một số lớp học theo dạng đặc biệt đang bị dư luận phản đối. Đơn giản, bởi những lớp học VIP ngay trong trường công này được xem như một hình thức “chơi trội” và xa hơn còn có thể tạo nên tư tưởng phân biệt giữa các em học sinh (HS) ngay từ trên ghế nhà trường.

Trên thực tế, chuyện trường chọn, lớp VIP trong học đường không phải bây giờ mới được nhắc đến. Một phần từ chủ trương của các trường, một phần đáp ứng nguyện vọng của một số phụ huynh có điều kiện về kinh tế, một số nơi đã hình thành “lớp học đặc biệt” với lý giải rằng phải tạo môi trường học tập tốt hơn cho HS. Sự tốt hơn ở đây được hiểu là trang bị hiện đại, đầy đủ hơn về mặt cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy - học tập. Thế nên mới có chuyện như ở Hà Nội vừa qua, nhiều phụ huynh đã tự nguyện và cả “không tự nguyện” ủng hộ tiền của để thành lập những lớp học “đặc biệt” (còn gọi là lớp học tương tác, lớp học VIP) ngay bên cạnh những lớp học bình thường khác. Chính điều này đã làm cả phụ huynh lẫn HS các “lớp thường” đều có cảm giác bị phân biệt đối xử.

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phát biểu được dư luận rất tán đồng: “Chúng ta quy định HS mặc đồng phục để không phân biệt giàu nghèo. Kể cả việc cho HS ăn chung bữa trưa cũng nhằm bảo đảm sự công bằng giữa các em. Việc trong một trường công lập có sự phân biệt giữa lớp nhiều tiền và lớp ít tiền rất phản cảm và phản giáo dục”. Nội dung phát biểu này làm chúng ta không khỏi chạnh lòng suy nghĩ về một chuyện khác có liên quan diễn ra từ nhiều năm qua, đó là chuyện chạy trường, chạy lớp đã trở thành nỗi bức xúc của nhiều phụ huynh mỗi khi chuẩn bị bắt đầu năm học mới mà điều này bắt nguồn trước hết từ tâm lý “trường điểm, lớp chọn”. Và rồi còn bao nhiêu là khoản đóng góp bất thành văn khác trong năm học mà có không ít phụ huynh xem đây như một cuộc “chạy đua” để ngấm ngầm mong muốn cho con em mình được tạo điều kiện học tập thuận lợi nhất. Phải chăng, chính người lớn đã tạo nên những “cái lệ” ấy để dẫn tới hiện tượng “đặc biệt” hơn mà lớp chọn, lớp VIP là một điển hình?

Lớp học đặc biệt đang được các trường “định nghĩa” là những lớp có hệ thống trang thiết bị hiện đại, đặc biệt, chẳng hạn như có laptop, máy lạnh, sàn lót gỗ, thậm chí ghế ngồi trong lễ khai giảng giữa các em VIP và không VIP cũng khác nhau. Những sự khác biệt ấy có tạo ra sự khác biệt về chất lượng học tập theo chiều hướng tích cực hơn hay không thì chưa ai dám khẳng định, nhưng thật chạnh lòng khi nghĩ tới cảnh các em nhỏ bỗng dưng thấy mình thua sút bạn bè, tự ti trong các buổi tiếp xúc và xa hơn là cảm thấy bị phân biệt đối xử ngay trên ghế nhà trường...

Xã hội hóa, huy động các nguồn lực để chung tay xây dựng sự nghiệp giáo dục ngày càng tiên tiến, hiện đại là điều cần thiết. Thông tư về việc xây dựng mô hình dịch vụ giáo dục chất lượng cao của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang trong giai đoạn góp ý, hoàn thiện, do đó việc làm này cần được tính toán kỹ cũng như có cách làm phù hợp. Cần giữ cho môi trường học đường sự công bằng và giáo dục tính công bằng cho thế hệ trẻ ngay từ những việc hàng ngày, trước mắt.

Q.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=706
Quay lên trên