Nhiều tháng liền, vận tải hành khách tạm ngừng hoạt động bởi dịch bệnh Covid-19. Thời điểm hiện tại khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các doanh nghiệp vận tải trong đó có vận tải hành khách bằng xe buýt đã hoạt động trở lại. Đây là tín hiệu vui cho thấy hoạt động vận tải hành khách đang từng bước được khôi phục, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; phù hợp với chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội, từng bước phục hồi kinh tế - xã hội trong trạng thái “bình thường mới”.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 khiến các đơn vị ngưng hoạt động, không có nguồn thu. Mặt khác, thời gian ngừng hoạt động kéo dài do dịch bệnh đã làm thay đổi nhu cầu, thói quen đi xe buýt của người dân, trong khi học sinh, sinh viên chưa đi học lại. Cùng với đó là tâm lý e ngại lây nhiễm dịch bệnh của hành khách. Vì vậy, với điều kiện thực tế hiện nay, để hoạt động vận tải hành khách trở lại như trước đây là một thách thức, trong đó phụ thuộc không nhỏ vào tâm lý khách hàng về sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Dù sắp đến đợt cao điểm vận tải cuối năm dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 nhưng dự báo nhu cầu đi lại của người dân cũng không tăng nhiều do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, hành khách ngại sử dụng phương tiện công cộng. Thực tế hiện nay, các đơn vị kinh doanh hoạt động vận tải hành khách công cộng không chỉ thiệt hại nặng nề về doanh thu mà doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt còn thêm gánh nặng bảo đảm đời sống của người lao động. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, xe buýt vẫn phải xuất bến dù ít khách khách vẫn phải chấp nhận bù lỗ duy trì chạy để giữ tuyến, giữ khách. Nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt và để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, từng bước phục hồi hoạt động, ngành chức năng cần hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai, niêm yết giá cước, tổ chức vận chuyển hành khách theo hướng phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân. Trước mắt, ngành giao thông - vận tải chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh và các cơ quan liên quan để đánh giá, thống kê thiệt hại đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe; nghiên cứu phương án đề xuất các biện pháp hỗ trợ về tài chính, như: Giãn nộp thuế; lãi suất vay ngân hàng, giảm mức thu phí bảo trì đường bộ, hỗ trợ giá vé cho hành khách đi xe buýt. Và khi công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, khi hoạt động kinh tế - xã hội có sự phục hồi mạnh mẽ, thì chắc chắn hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt sẽ nhanh chóng trở lại bình thường.
NHẬT HUY