Gỡ vướng gói vay nhà ở xã hội

Cập nhật: 27-03-2024 | 07:50:44

Được kỳ vọng sẽ góp phần vực dậy thị trường bất động sản, song gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 của Chính phủ dành cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang gặp nhiều khó khăn trong giải ngân. Mặc dù thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều công văn, chỉ thị, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai cho vay, nhưng đến nay cũng chỉ mới giải ngân được hơn 500 tỷ đồng.

Nói về việc triển khai gói tín dụng này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định 4 ngân hàng thương mại Nhà nước không thiếu tiền, sẵn sàng cho vay nhưng không có dự án để cho vay. Nguyên nhân khiến gói tín dụng giải ngân thấp là do phần lớn các dự án được công bố mới đang ở giai đoạn hoàn thiện thủ tục, bắt đầu triển khai, trong đó có nhiều dự án chưa khởi công, đang giải phóng mặt bằng... vì vậy chưa đủ điều kiện mở bán sản phẩm, nên số lượng khách hàng vay vốn mua nhà chưa nhiều. Không chỉ vậy, người dân bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế, sản xuất, kinh doanh khó khăn, do đó chưa ưu tiên cho việc mua nhà trong thời điểm này.

Mặt khác, một chuyên gia về lĩnh vực bất động sản cho rằng: Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng về bản chất không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội mà chỉ là gói tín dụng thương mại với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay thông thường dành cho chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư. Trong khi đó, quy định lãi suất của gói 120.000 tỷ đồng là 8,2%/năm áp dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư… vẫn là quá cao so với khả năng tài chính của đối tượng là người có thu nhập thấp. Ngoài ra, theo các chuyên gia, thời gian ưu đãi của gói tín dụng này đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn, chỉ phù hợp với các dự án quy mô trung bình nhưng chưa phù hợp với các dự án quy mô lớn.

Vì vậy, việc tiếp tục xem xét và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thống nhất và cụ thể, nhằm giải quyết những bất cập nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nhà đầu tư để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu cho người dân là hết sức cần thiết. Chính sách của Chính phủ về nhà ở xã hội có ý nghĩa về lớn về mặt xã hội, mang tính bảo đảm an sinh. Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận vốn vay vẫn còn băn khoăn về những quy định của gói tín dụng này và cần được xem xét để gỡ vướng.

 NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=293
Quay lên trên