Thời gian qua, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra trên địa bàn tỉnh vẫn khá cao. Vì vậy, để hạn chế các vụ TNLĐ, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người sử dụng lao động quan tâm đến công tác huấn luyện an toàn lao động (ATLĐ), đồng thời nâng cao nhận thức cho công nhân lao động (CNLĐ) chấp hành tốt nội quy ATLĐ…
CNLĐ Công ty Cổ phần Liwayway Việt Nam tham gia hội thi “An toàn, vệ sinh viên giỏi” năm 2014 do Công đoàn KCN VSIP tổ chức
Những con số biết nói
Theo số liệu thống kê chỉ trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã xảy ra 398 vụ TNLĐ (trong đó, có 13 vụ TNLĐ nghiêm trọng) làm chết 14 người, bị thương nặng 13 người, bị thương nhẹ 372 người. So với cùng kỳ năm 2013, số vụ TNLĐ giảm 23 vụ, số người bị thương nặng giảm 3 người nhưng số người chết lại tăng 1 người. Phân tích nguyên nhân cho thấy, các vụ TNLĐ trên chủ yếu là do người sử dụng lao động chưa tổ chức huấn luyện TNLĐ cho CNLĐ; cán bộ quản lý thiếu kiểm tra nhắc nhở CNLĐ trong thực hiện nhiệm vụ, vi phạm quy trình an toàn... và một số CNLĐ chưa nắm được quy trình, quy phạm, chưa được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chủ quan, bất cẩn trong việc thực hiện nhiệm vụ…
Anh Võ Văn Thành (trước đây là công nhân Công ty Uni-eatern, KCN Sóng Thần 1, TX.Dĩ An), cho biết chỉ vì bất cẩn trong lúc làm việc anh đã bị TNLĐ. Từ một trụ cột, anh trở thành gánh nặng của gia đình, bị thương tật với tỷ lệ đến 91%! Anh Phạm Thanh Điền, Công ty Box Pak (KCN VSIP) cũng là một trường hợp bị TNLĐ nặng. Do bất cẩn trong quá trình vận hành máy móc, đôi chân của anh đã bị giập nát vì máy đập và bị thương tật với tỷ lệ 85%. Anh Điền nói: “Với tôi, đây là một sự mất mát quá lớn. Giá như khi ấy tôi cẩn thận hơn…”.
CNLĐ phải biết tự bảo vệ mình
Tại Công ty Cổ phần Liwayway Việt Nam (KCN VSIP), vấn đề ATLĐ luôn được quan tâm hàng đầu. Mỗi quý, CNLĐ sẽ được đào tạo 1 lần về ATLĐ và an toàn vệ sinh thực phẩm, sơ cấp cứu, phòng cháy chữa cháy… Tuy nhiên, nhiều CNLĐ vẫn còn khá lơ là và chưa thật sự quan tâm đến ATLĐ.
Anh Phạm Ngân Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Liwayway Việt Nam, cho biết công ty chuyên về chế biến thực phẩm. Trong quá trình sản xuất, nếu CNLĐ lơ là, sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ mất ATLĐ do nấu ở nhiệt độ cao; thực phẩm cần cán, dát mỏng; máy di động nhiều… Dù công ty rất quan tâm đến ATLĐ, tuy nhiên nhiều CNLĐ vẫn còn khá chủ quan.
Để đẩy mạnh công tác bảo đảm ATLĐ, bên cạnh công tác tuyên truyền, công ty đã đưa việc chấp hành ATLĐ vào quy chế khen thưởng. Nghĩa là mỗi tháng, CNLĐ sẽ nhận được 250.000 đồng/người nếu chấp hành tốt nội quy ATLĐ. Ngược lại, với mỗi loại vi phạm, tùy vào mức độ để trừ. Nhờ vậy, ý thức chấp hành ATLĐ của CNLĐ trong công ty đã tốt hơn, từ đầu năm đến nay tại công ty chưa xảy ra vụ TNLĐ nào.
Để CNLĐ nâng cao ý thức về an toàn, vệ sinh lao động, thời gian qua, các cấp công đoàn đã đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm ATLĐ. Bên cạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, các cấp công đoàn còn tổ chức các hội thi để các cán bộ công đoàn cơ sở, CNLĐ học tập lẫn nhau, từ đó áp dụng hiệu quả tại đơn vị. Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn KCN VSIP, cho biết vừa qua công đoàn đã tổ chức hội thi “An toàn, vệ sinh viên giỏi” năm 2014. Mặc dù số lượng đội tham dự chưa nhiều, nhưng qua đó đã mổ xẻ nhiều tình huống, nguyên nhân dẫn đến TNLĐ, giúp cho cán bộ công đoàn, CNLĐ nâng cao ý thức về chấp hành nội quy ATLĐ.
TNLĐ là một trong những nỗi đau lớn nhất của CNLĐ và người chịu hậu quả trước tiên cũng chính là CNLĐ. Vì vậy, hơn ai hết, CNLĐ phải có ý thức bảo vệ mình, đừng để vì một lúc bất cẩn mà trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
THU THẢO