Xúc tiến thương mại (XTTM) được xem như “bà mối”, góp phần tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, XTTM là “đòn bẩy” để mở rộng đầu ra cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp (DN). Từ đó, tạo động lực để các cơ sở, DN phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Nhận thấy tầm quan trọng của XTTM, thời gian qua Bình Dương đã đẩy mạnh các hoạt động này cả trong và ngoài nước.
XTTM được thực hiện dưới 4 hình thức là hoạt động khuyến mại; quảng cáo thương mại; trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại. Cả 4 hình thức XTTM đều nhắm đến một mục tiêu là lan tỏa thông tin về hàng hóa, dịch vụ, từ đó góp phần kích thích sức mua và kết nối cung cầu. Để đạt mục tiêu này, hoạt động XTTM cần được thực hiện thường xuyên, phong phú về hình thức, có sự tham gia từ nhiều phía và mở rộng cả về phạm vi địa lý.
Còn nhớ sau đại dịch Covid-19, các hoạt động cung ứng vật tư đầu vào và giao thương hàng hóa đầu ra của DN gần như bị tê liệt. Tiếp đó, sản phẩm hàng hóa của DN làm ra không tiêu thụ được do khủng hoảng tài chính thế giới. Nhiều DN hoạt động trong các lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ… không có đơn hàng, phải hoạt động cầm chừng, hàng loạt công nhân lao động phải nghỉ giãn việc hoặc mất việc làm. Trước tình hình đó, chính quyền và các hiệp hội ngành hàng đã vào cuộc giúp DN tháo gỡ khó khăn. Cùng với các chính sách tài chính do Chính phủ ban hành, hàng loạt hoạt động XTTM đã được địa phương thực hiện.
Suốt một thời gian dài, Trung tâm Hội chợ triển lãm tỉnh trở thành nơi quy tụ, tập hợp DN của nhiều ngành hàng. Không chỉ kết nối DN trong nước, Bình Dương còn chủ động mời gọi DN nước ngoài đến với các hội chợ triển lãm diễn ra tại Bình Dương hoặc hỗ trợ DN trong tỉnh tham gia các hoạt động XTTM được tổ chức ở các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài. Thông qua những gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm và hội thảo XTTM, nhiều DN trong tỉnh đã tìm được đối tác để giải quyết vấn đề cung ứng vật tư, kết nối giao thương. Mới đây, Bình Dương còn đưa vào hoạt động Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC) để tiếp tục giúp DN tìm kiếm đối tác và bán hàng thông qua không gian mạng.
Tín hiệu vui trong những ngày đầu năm mới 2024 này là nhiều DN thuộc các lĩnh vực vốn gặp nhiều khó khăn thời gian qua như dệt may, da giày, đồ gỗ… đã có đơn hàng trở lại. Nhiều DN hoạt động cầm chừng trước đây bắt đầu guồng quay mới, tuyển dụng thêm hàng ngàn lao động, hoạt động hết công suất để kịp đáp ứng đơn hàng cho đối tác. Kết quả này chắc chắn có sự đóng góp từ hoạt động XTTM đã được chính quyền và các hiệp hội ngành hàng dày công thực hiện suốt thời gian qua.
LÊ QUANG