Học cao lao đao xin việc! 

Cập nhật: 05-08-2015 | 08:38:04

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quý I-2015, cả nước có 177.700 người có trình độ đại học và trên đại học không có việc làm. Bình Dương là tỉnh công nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động cao nhưng số sinh viên ra trường vẫn chung cảnh “chật vật tìm việc”. Điều đó đặt ra vấn đề, liệu con đường học đại học, cao đẳng có phải là cơ hội duy nhất?...

 

 Các bạn cử nhân cầm sẵn hồ sơ để đi tìm việc tại Trung tâm GTVL tỉnh

 

“Đỏ mắt” tìm việc

Đến với Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) tỉnh, điều dễ nhận thấy là nhiều bạn trẻ tay cầm bộ hồ sơ tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN). Rất nhiều người đến tìm việc là sinh viên mới ra trường hoặc đã ra trường vài năm nhưng chưa có việc làm đúng chuyên môn, đúng ngành. Bạn Trần Thị Tuyết Nhung ở phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Đồng Nai được 3 năm, vẫn chưa tìm được công việc ổn định. Mong muốn của bạn là được làm nhân viên văn phòng cho các công ty, vậy mà khi nộp hồ sơ dự tuyển thì không đạt. Suốt 3 năm tìm đúng việc, bạn đã đi làm công nhân cho công ty may tại Bến Cát và gửi hồ sơ dự tuyển khi các công ty khác có nhu cầu. Nhung cho biết, giờ xin việc rất khó, nhất là công việc phù hợp, mức lương cao. Không chỉ có Nhung ra trường chưa có việc làm mà gần 1/3 số sinh viên trong lớp bạn cũng chưa tìm được việc.

Có tấm bằng đại học chuyên ngành Công nghệ thông tin loại khá của trường Đại học Bình Dương, anh Trần Thanh Bình vẫn phải “chật vật” tìm việc. Ban đầu do chưa tìm được việc làm đúng chuyên môn, anh làm nhân viên bán điện thoại di động, sau đó làm công nhân kiểm hàng mẫu của Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (TX. Thuận An). Làm công nhân nhưng hàng ngày anh vẫn kiên trì vào website của Trung tâm GTVL tỉnh để “săn” việc. Anh nói: “Tôi rất muốn tìm được việc làm đúng với chuyên môn để không uổng phí công sức 4 năm ăn học, tuy nhiên điều này quá khó”. Để thực hiện ước mơ trở thành nhân viên công nghệ thông tin, anh quyết tâm đi học thêm tiếng Anh và ôn luyện kỹ năng thiết kế, quản trị mạng máy tính để xin vào làm các công ty nước ngoài.

Trong khi cử nhân ra trường thiếu việc làm, thì thị trường lao động phổ thông tại Bình Dương lại “lên ngôi”. Anh Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng GTVL của Trung tâm GTVL Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải thích, nhu cầu tuyển dụng “lệch pha” là do một thời mọi người đổ xô vào học đại học, cao đẳng, nên số lượng sinh viên ra trường quá nhiều. Bên cạnh đó, chất lượng của sinh viên do các trường đào tạo ra chưa đáp ứng được nhu cầu của DN. Thậm chí, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng không tìm được việc làm đúng chuyên môn đã buộc phải cất bằng trong tủ để đi làm công nhân.

Đào tạo đi đôi với nhu cầu

Mặc dù số lượng các DN đăng tuyển đông nhưng hầu hết đều tuyển lao động phổ thông, nhân viên bán hàng. Những vị trí quản lý, văn phòng, điều hành ít được đăng tuyển. Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, đại diện Phòng Tổng vụ của Công ty TNHH Yazaki EDS (TX.Dĩ An) nói, trước đây, công ty có đăng tuyển các vị trí quản lý và đã có nhiều ứng viên đến phỏng vấn nhưng không đạt yêu cầu. Hầu hết họ có kiến thức nhưng thiếu kinh nghiệm trong công việc. Do đó, khi tuyển dụng phải đào tạo lại thật sự rất mất thời gian. Bởi vậy, công ty thường tuyển những người đã có thâm niên trong nghề, bắt tay vào công việc có thể làm ngay.

Tình trạng sinh viên ra trường khó tìm việc làm có thể sẽ còn tiếp diễn nếu như việc cấp phép đào tạo đối với các trường đại học, cao đẳng còn quá dễ dàng. Tình trạng mạnh trường nào trường nấy tuyển sinh, trường có gì đào tạo nấy, thiếu sự gắn kết với DN trong quá trình đào tạo sẽ dẫn tới cung không đáp ứng cầu, đào tạo không gắn với nhu cầu xã hội. Anh Nguyễn Thanh Phương cho rằng, con đường để đưa sinh viên vào DN chỉ có thể bằng chất lượng đào tạo. Do đó cần phải lắng nghe DN yêu cầu, nghe DN góp ý để đào tạo đúng hướng. Từ kinh nghiệm đó, thời gian qua, Trung tâm GTVL tỉnh đã là “nhịp cầu” nối giữa DN và nhà trường. Khi các DN đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động có chuyên môn cao ở lĩnh vực nào đó, trung tâm liên kết với nhà trường, gợi ý mở các lớp đào tạo đáp ứng nhu cầu DN. Từ đó, nhiều trường trong tỉnh đã có mối liên hệ mật thiết với DN để nhận được đơn đặt hàng đào tạo. Bên cạnh đó, các trường còn nhận được sự hỗ trợ về thiết bị máy móc phục vụ giảng dạy từ phía DN.

Về phía sinh viên, hầu hết đều được trang bị các kiến thức cơ bản trên trường, lớp nhưng kỹ năng thực hành kém. Do đó, các trường trong tỉnh cũng đã chủ động phối hợp DN cho sinh viên vừa học, vừa thực tập. Mặt khác, sinh viên cũng cần nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm để đủ hành trang tự tin làm việc tại DN trong thời buổi hội nhập quốc tế.

TỐ TÂM

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1618
Quay lên trên