Học nghề, lựa chọn ưu tiên của nhiều bạn trẻ

Cập nhật: 11-10-2022 | 08:31:16

 Năm học 2022-2023, nhiều học sinh tốt nghiệp THPT hoặc THCS đã chọn cho mình hướng đi mới. Trong đó, học trường nghề là hướng đi được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Bởi thực tiễn nhu cầu tuyển “thợ” của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh vẫn đang nóng.

 

Học sinh thực hành bảo dưỡng sửa chữa cơ khí động cơ tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Quản trị công nghệ Bình Dương

 Chủ động chọn trường nghề

Sau đại dịch Covid-19, thị trường lao động ở Bình Dương có nhiều thay đổi. Một số ngành đang cần lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Vì vậy, với những học sinh tốt nghiệp THPT hoặc THCS, khi đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn tương lai, việc lựa chọn ngành nghề để vừa phù hợp với năng lực, vừa bắt kịp xu hướng thời đại là câu hỏi lớn.

Sau 2 năm học đại học, vì gia đình khó khăn, em Bùi Thị Băng Tuyết, quê ở tỉnh Hưng Yên quyết định chuyển sang theo học ngành quản trị mạng máy tính tại trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương. “Khi vào học nghề, thầy cô luôn quan tâm và tương tác, nắm rất rõ từng hoàn cảnh của sinh viên. Khi biết được hoàn cảnh khó khăn, học lực giỏi của em, nhà trường đã xét và cấp học bổng. Đây là niềm động viên to lớn để em cố gắng hoàn thành giấc mơ của mình. Trong thời gian học ở đây, nhà trường liên kết đưa sinh viên đi thực tập ở một số DN trong Khu công nghiệp VSIP và sau khi tốt nghiệp sinh viên dễ dàng xin được việc làm với mức lương khá ổn định”, Tuyết cho biết.

Tương tự như Tuyết, trong mùa tuyển sinh năm nay, tại các trường nghề, nhiều em dù có thành tích học bạ khá tốt nhưng đã quyết định nộp hồ sơ xét tuyển vào học tại các trường nghề. Lý giải về lựa chọn của mình, em Thanh Thúy, học sinh tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Quản trị công nghệ Bình Dương, cho biết: “Ở quê, em của em đều đang tuổi đến trường, bố mẹ lại làm nông nên em chọn học nghề có chi phí học tập thấp hơn, lại nhanh tốt nghiệp để được đi làm. Học đại học thì thời gian lâu, học phí cao nên bố mẹ sẽ phải vất vả. Em tìm hiểu và suy nghĩ rất kỹ, em đăng ký học nghề dễ tìm việc. Ngành học mà em chọn cũng đang cần nhiều lao động nên em hoàn toàn yên tâm với lựa chọn của mình”.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại các trường cao đẳng, trung cấp trong mùa tuyển sinh năm nay, nhiều em học sinh tốt nghiệp THPT đã chủ động chọn học các trường nghề (hệ cao đẳng, trung cấp) để có được việc làm ngay và thu nhập ổn định sau khi tốt nghiệp.

Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo

Ông Võ Đông Duy, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua công tác đào tạo nghề luôn được cấp ủy và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%.

Tính đến đầu năm 2022, Bình Dương có khoảng 100 cơ sở có tham gia hoạt động GDNN. Nhìn chung, công tác GDNN trong 5 năm qua đang có những chuyển động tích cực, được sự đồng thuận của các cấp, các ngành và người lao động (NLĐ). Nhiều cơ sở đào tạo tuyển sinh vượt chỉ tiêu, tỷ lệ học sinh từ lớp 9 vào học nghề đã tăng lên, công tác phân luồng tốt hơn, nhận thức của học sinh và phụ huynh về việc học nghề dần chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Các khóa đào tạo đã trang bị cho người học các kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ công việc cơ bản nhất để họ có thể tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm nuôi sống bản thân, gia đình; từ đó góp phần cải thiện đời sống, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo và giải quyết việc làm cho NLĐ. Việc tổ chức đào tạo nghề đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Hiện nay, Bình Dương đang phát triển theo định hướng công nghệ cao, công nghệ xanh, chất lượng. Do đó, tỉnh luôn chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho NLĐ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhận thức rõ vai trò của nguồn nhân lực đối với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chiến lược phát triển nguồn nhân lực luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 35%.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bình Dương tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Theo đó, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.

Tỉnh cũng sẽ tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “nhà”: Nhà nước - nhà trường - nhà DN trong các hoạt động GDNN gắn với thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương; gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững và tăng cường sự tham gia của hiệp hội nghề nghiệp, DN, đơn vị sử dụng lao động trong hoạt động GDNN; khuyến khích các DN công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho NLĐ dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng NLĐ đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trình độ GDNN, như: Miễn học phí, cấp học bổng, giải quyết việc làm phù hợp với điều kiện của địa phương và các quy định của pháp luật để góp phần thực hiện tốt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025…”.

(Ông Võ Đông Duy, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

 TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=405
Quay lên trên