Các tay súng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) giao tranh với quân đội miền Đông (LNA) của Tướng Khalifa Haftar tại Tripoli, Libya, hôm 2/4. (Ảnh: THX/TTXVN)
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 5/5 đã tiến hành họp trực tuyến về tình hình tại Libya, với sự tham dự của Công tố viên Tòa án hình sự quốc tế (ICC) cũng như Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Libya tại Liên hợp quốc.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại New York, tại cuộc họp, các nước thành viên Hội đồng Bảo an đã bày tỏ quan ngại về tình hình chiến sự gia tăng, cũng như tác động về an ninh và nhân đạo ở Libya thời gian gần đây, đặc biệt là những vụ tấn công nhằm vào dân thường và cơ sở dân sự, trong đó có cơ sở y tế, trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi đang phải ứng phó với đại dịch COVID-19.
Các nước kêu gọi các bên liên quan ở Libya chấm dứt chiến sự, tuân thủ đình chiến nhân đạo, bảo đảm tiếp cận viện trợ nhân đạo đầy đủ và hướng tới một giải pháp chính trị.
Một số nước hoan nghênh báo cáo của Công tố viên ICC trên cơ sở Nghị quyết 1970 (2011) của Hội đồng Bảo an, kêu gọi chính quyền Libya và các bên liên quan bắt giữ và giao nộp những cá nhân được cho có hành vi phạm tội ác chống loài người và tội ác chiến tranh theo đề nghị của ICC.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Libya nhấn mạnh việc bảo đảm công lý là vấn đề thuộc chủ quyền và thẩm quyền của quốc gia, khẳng định các cơ quan chức năng Libya có đầy đủ năng lực tư pháp và chính quyền Libya cam kết thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, trong đó có Nghị quyết 1970.
Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, cũng đã bày tỏ quan ngại về tình hình chiến sự leo thang ở Libya đồng thời kêu gọi các bên liên quan tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, chấm dứt tình trạng bạo lực nhắm vào dân thường, cơ sở dân sự và bảo đảm tiếp cận nhân đạo trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Đại sứ Hải Anh nhấn mạnh ủng hộ giải pháp chính trị trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của Libya và do người dân Libya dẫn dắt và làm chủ.
Ông kêu gọi các bên ở Libya sớm trở lại đàm phán qua các kênh chính trị, quân sự và kinh tế trên cơ sở Nghị quyết 2510 của Hội đồng Bảo an về Hội nghị Berlin về Libya.
Ông nhấn mạnh các quốc gia có trách nhiệm hàng đầu trong bảo đảm tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, ngăn ngừa và trừng trị tội phạm.
Tình hình an ninh và nhân đạo tại Libya tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian gần đây bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo Báo cáo về thương vong thường dân của Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) trong quý I/2020, đã có 64 dân thường thiệt mạng và 67 người bị thương, tăng 45% so với quý I/2019.
Tính đến ngày 5/5, Libya cũng ghi nhận 63 ca mắc COVID-19, trong đó 3 trường hợp đã tử vong./.
Theo TTXVN