Hội nghị thượng đỉnh Chicago: Cơ hội đoàn kết và thay đổi của NATO

Cập nhật: 23-05-2012 | 00:00:00

Hội nghị NATO đã kết thúc sau hai ngày họp tại thành phố Chicago, Mỹ với việc nguyên thủ hơn 50 nước nhất trí hỗ trợ Afghanistan sau năm 2014 và đẩy mạnh thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ châu Âu (2018) và Mỹ (2022), bất chấp phản đối của Nga.

Afganistan – điểm nhấn của nghị trình

Hội nghị khai mạc hôm Chủ nhật (20-5) dưới sự đồng chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Mỹ Barack Obama và Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen, với nội dung thảo luận chính là tiến trình chuyển giao trách nhiệm an ninh tại Afghanistan trước cuối năm 2014 và việc thúc đẩy hợp tác sâu rộng, mạnh mẽ hơn trong khối, nhất là trong việc khởi động hệ thống phòng thủ tên lửa liên châu Âu.

  Lính hải quân Mỹ đứng trên tàu USS Higgins – một trong 18 tàu  Mỹ được triển khai cùng với hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo Aegis. Phát biểu kết thúc hai ngày họp, Tổng thống Obama khẳng định hội nghị đã có các buổi thảo luận rất hiệu quả về tình hình Afghanistan, sau khi chủ đề này được tân Tổng thống Pháp Phrancois Hollande “xới lên” ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị bằng tuyên bố rút quân đầy bất ngờ vào cuối năm nay.

“Pháp sẽ rút toàn bộ binh sĩ chiến đấu khỏi Afghanistan vào cuối năm nay, thay vì vào cuối năm 2014 như cam kết chung của NATO”, ông Hollande khẳng định.

Pháp hiện có 3.300 quân đồn trú tại Afghanistan, đóng góp quân số lớn thứ 5 trong liên minh.

Tuy nhiên, bất chấp kế hoạch “một mình, một ngựa” của Pháp, các nhà lãnh đạo NATO vẫn bám giữ lộ trình  cắt giảm mức độ tham chiến ở Afghanistan vào cuối năm 2014 sau khi hoàn thành sứ mệnh chuyển giao quyền kiểm soát an ninh vào giữa năm sau.

“Việc chuyển giao hoàn toàn trách nhiệm đảm bảo an ninh từ Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) cho Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan (ANSF) là tiến trình không thể đảo ngược và đang đi đúng hướng. Toàn bộ tiến trình sẽ được thực hiện từ nay đến giữa năm 2013, trước khi NATO chuyển sang vai trò hỗ trợ và  rút hết lực lượng quốc tế ra khỏi chiến trường Nam Á này vào cuối năm 2014”, tuyên bố đưa ra sau hội nghị nhấn mạnh.

Liên quan đến việc hỗ trợ chính quyền Kabul kể từ sau năm 2014, Tổng thư ký NATO Rasmussen khẳng định liên minh quân sự “sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiều mặt cho chính phủ và người dân Afghanistan sau khi triệt thoái 130.000 quân ISAF vào cuối năm 2014”.

Ông Rasmussen cũng kêu gọi các nước láng giềng của Afghanistan, đặc biệt là Pakistan, nêu cao vai trò trong việc đảm bảo ổn định tại Afghanistan nói riêng, khu vực Nam Á nói chung.

Cũng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới đã bày tỏ quan ngại về tình hình bạo lực tại Trung Đông và Syria, nhưng khẳng định liên minh này "không có ý định" thực hiện hành động quân sự nhằm vào chính quyền Damascus.

Cơ hội đẩy mạnh đối tác xuyên Đại Tây Dương

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 25 của khối NATO diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, như tình hình an ninh tại Afghanistan, bạo loạn chính trị ở Syria, các cuộc đối đầu căng thẳng trên Biển Đông, vòng xoáy bất ổn ở Trung Đông – Bắc Phi, khủng bố và an ninh mạng, nợ công ở châu Âu….

Chính vì vậy, hội nghị là cơ hội để các nước thể hiện tình đoàn kết, thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược xuyên Đại Tây Dương.

"Chúng ta đã cùng hy sinh cho nền an ninh chung. Chúng ta sẽ cùng chung sức và đoàn kết trong quyết tâm hoàn tất sứ mệnh này", Tổng thống Obama khẳng định.

Cũng theo nhà lãnh đạo Mỹ, nước hiện có mức đóng góp tài chính nhiều nhất cho NATO và cũng là thành viên có ảnh hưởng lớn nhất trong khối, để đối mặt với bất ổn an ninh ngày càng diễn biến khó lường, các chính phủ cần tăng cường mua sắm và trang bị các thế hệ máy bay do thám hiện đại không người lái, cùng nhau sử dụng các cơ sở huấn luyện chung, thiết lập và duy trì khả năng phòng thủ hạt nhân cũng như phòng thủ tên lửa ở châu Âu.

Bởi vậy, kết thúc ngày thảo luận đầu tiên, các nhà lãnh đạo NATO đã nhất trí khởi động giai đoạn đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa cho toàn bộ khu vực châu Âu. 

Theo đó, trong thời gian tới, Mỹ và các nước đồng minh sẽ cử tàu chiến mang theo các máy bay đánh chặn tới Địa Trung Hải và thiết lập hệ thống radar cảnh báo sớm ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặt dưới sự chỉ huy của NATO từ một căn cứ đóng tại Đức.

Tất nhiên, để giảm bớt sự phản đối của Nga, nước vốn luôn lo ngại hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ và NATO là hiểm họa đối với sức mạnh răn đe hạt nhân của mình, Tổng thư ký Rasmussen đã khẳng định lá chắn tên lửa của NATO không nhằm vào Nga mà chỉ để phòng thủ trước  tên lửa của các nước thù địch, ám chỉ Iran và Triều Tiên. Ông Rasmussen cũng tuyên bố liên minh quân sự lớn nhất thế giới sẵn sàng mời Nga cùng hợp tác về hệ thống phòng thủ tên lửa và lời mời này cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Dự kiến, NATO và Mỹ sẽ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu theo 4 giai đoạn với mục tiêu đi vào hoạt động đầy đủ từ năm 2018. Tới nay, Tây Ban Nha đã đồng ý tiếp nhận 4 tàu Aegis của Mỹ đến cảng Rota, trong khi Ba Lan và Rumani nhất trí cho phép triển khai các tên lửa SM-3 trong những năm tới.

Và hướng tới chiến lược mới

Trong lịch sử 63 năm hình thành và phát triển của NATO, không thể phủ nhận một thực tế là liên minh này đã đạt được những thành tựu đáng kể như làm cho châu Âu an toàn hơn, hay đủ sức can dự vào những điểm nóng an ninh khi cần thiết như cuộc chiến tại Afghanistan, Lybia...

Nhưng sức mạnh đó của NATO đang ngày càng suy yếu cùng với sự chuyển dịch trọng tâm quân sự của Mỹ sang châu Á – Thái Bình Dương, sự cắt giảm mạnh chi tiêu quốc phòng của  hàng loạt quốc gia châu Âu do khủng hoảng tài chính và quyết tâm tăng cường sức mạnh quân sự của Nga và Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Mỹ và NATO đã và đang tìm cách hướng đến một chiến lược quân sự mới mang tên “chiến lược phòng thủ thông minh” nhằm cho phép các lực lượng NATO phản ứng linh hoạt hơn, hiệu quả hơn, hoàn thành nhiều nhiệm vụ hơn nhưng với chi phí ít hơn.

Để triển khai chiến lược này, NATO tập trung vào việc cùng nhau trang bị và sử dụng chung các trang thiết bị quân sự cũng như các nguồn lực khác mỗi khi cần huy động tổng lực sức mạnh cho các cuộc tấn công.

Nhưng vấn đề “sài chung” không bao giờ đơn giản, bởi nó không chỉ động chạm đến vấn đề chủ quyền và ninh quốc gia, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào quyết định cuối cùng của các chính phủ trong từng trường hợp cụ thể. Nói cách khác, quyết định của NATO trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào tiếng nói cũng như ý chí chính trị của các chính phủ thành viên.

Dẫu biết, khi càng phụ thuộc, tầm với cũng như vai trò toàn cầu của NATO càng bị sụt giảm. Nhưng trong bối cảnh phục hồi kinh tế Mỹ còn khá mong manh, châu Âu lại đang xoay vần với cuộc khủng hoảng nợ công chưa có lối thoát, thì việc tìm đến một chiến lược phát triển mới âu cũng là việc phải làm.

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên