Huyện Dầu Tiếng: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cập nhật: 16-12-2020 | 08:03:29

 Qua 10 năm thực hiện đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) ở huyện Dầu Tiếng đã mở ra nhiều cơ hội việc làm, góp phần tích cực tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở khu vực nông thôn, thực hiện tốt tiêu chí xây dựng nông thôn mới…

 Bế giảng lớp đào tạo nghề trang điểm cho lao động nông thôn ở huyện Dầu Tiếng

 Học xong có việc làm

Với lợi thế nguồn lao động hiện có, huyện Dầu Tiếng tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là cây công nghiệp dài ngày như cao su và các loại cây ăn trái lâu năm khác, gắn trồng trọt với chăn nuôi để đạt hiệu quả kinh tế cao. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT như nghề nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở khu vực nông thôn, thực hiện tốt tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đa số lao động nông thôn sau đào tạo nghề đã áp dụng được kiến thức, kỹ năng vào sản xuẩt, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, ổn định việc làm, tìm được việc làm mới góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Nhân, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Dầu Tiếng, cho biết thực hiện quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh Bình Dương đến năm 2020”, UBND huyện chỉ đạo triển khai các hoạt động thực hiện Đề án dạy nghề cho LĐNT huyện Dầu Tiếng trên địa bàn 12 xã, thị trấn. Huyện cũng ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đã được nêu trong kế hoạch. Kết quả qua 10 năm thực hiện đề án dạy nghề cho LĐNT, phòng đã phối hợp với trung tâm dạy nghề, các ban ngành, đoàn thể huyện tổ chức được 104 lớp dạy nghề cho LĐNT với 3.043 học viên tham gia.

Các ngành nghề đào tạo được triển khai gồm: Nấu ăn đãi tiệc; tin học; trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su; tạo dáng và chăm sóc cây cảnh; may gia dụng; chăn nuôi thú y; trồng bưởi theo công nghệ VietGAP… Thông qua các lớp đào tạo, hầu hết các học viên đều có tay nghề khá, được giới thiệu hoặc tự tìm việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Minh chứng là hiện nay, trên địa bàn huyện đã có hàng trăm lao động làm việc ổn định. Đối với LĐNT, các lớp đào tạo đã giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào mô hình sản xuất của gia đình, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng đơn vị canh tác.

Nhằm giúp đỡ cho LĐNT có nguồn vốn để kinh doanh sau học nghề, các hoạt động hỗ trợ vay vốn hộ nghèo tiếp tục được các cấp, các ngành ở huyện Dầu Tiếng đặc biệt quan tâm. Thông qua việc thành lập các tổ vay vốn do các hội, đoàn thể phụ trách, người dân, đặc biệt là người nghèo và LĐNT đã được tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay. Chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, LĐNT có vốn sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững và vươn lên khá giả.

Nâng cao tay nghề cho người lao động

Trong 10 năm qua, với sự chỉ đạo của UBND huyện, những nỗ lực của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, đề án đào tạo nghề cho LĐNT đã thực sự có tác dụng chuyển đổi nhận thức về học nghề, việc làm, trang bị những kiến thức cơ bản, nâng cao tay nghề cho người lao động. Sau học nghề, người lao động được các công ty, doanh nghiệp may mặc, công ty cao su, các hộ trồng cao su tiểu điền trên địa bàn huyện nhận vào làm việc với mức lương ổn định.

Bên cạnh đó, một số lao động tự tạo việc làm, mở cơ sở hành nghề tại địa phương như các nghề: May gia dụng, cắt uốn tóc, chăm sóc hoặc trồng hoa lan, cây cảnh, trồng nấm… Đặc biệt, có một số lao động khác đã đăng ký học thêm để nâng cao tay nghề, góp phần tích cực có chiều sâu vào chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và việc làm. Chị Nguyễn Đinh Tường Vy, sinh năm 2000 ở ấp Hòa Thành, xã Minh Hòa là một ví dụ điển hình. Năm 2020 chị tham gia học nghề trang điểm được mở tại xã. Sau khóa học, chị đã mạnh dạn đầu tư 90 triệu đồng để mở tiệm cắt, uốn tóc và trang điểm. Nhờ áp dụng những kiến thức đã học nên chị có nguồn thu nhập kinh tế gia đình ổn định. “Đào tạo nghề cho LĐNT đã đem lại những hiệu quả thiết thực, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương, tạo việc làm ổn định cho lao động”, chị Vy cho biết.

Việc triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho LĐNT có nghề phù hợp với khả năng, sức lao động, sát với nhu cầu thực tế ở địa phương. Từ đó, giúp LĐNT có thêm việc làm, cải thiện đời sống, có thu nhập cho gia đình, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo ở địa phương.

 Công tác dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã được sự đồng tình của các cấp, các ngành và người lao động. Nhiều LĐNT tích cực tham gia học nghề theo đề án đã có sự chuyển biến trong nhận thức về việc học nghề. Công tác này đã tạo điều kiện cho người lao động vùng nông thôn có nghề nghiệp để tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn; từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, cung cấp lực lượng lao động có nghề tại chỗ phục vụ cho địa phương; góp phần bảo đảm an sinh xã hội”.

(Ông Nguyễn Công Nhân, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Dầu Tiếng)

TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên