Khẩn trương giảm thiểu tai nạn giao thông

Cập nhật: 18-03-2013 | 00:00:00

Mặc dù đã có nhiều cố gắng thực hiện các kế hoạch nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT); song chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh đã tăng đột biến, rất đáng lo ngại. Toàn tỉnh đã xảy ra 567 vụ TNGT, làm chết 73 người, bị thương 655 người; so với cùng kỳ năm trước thì giảm gần 200 vụ nhưng số người thiệt mạng lại tăng hơn 65%.

Đáng lưu ý, số đối tượng liên quan đến TNGT phần lớn tuổi còn rất trẻ, hơn 50% ở vào độ tuổi từ 18 - 27 và thời gian xảy ra TNGT thường khoảng 18 - 22 giờ. Như thế là không ổn, các cấp chính quyền và ngành chức năng cần có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để khẩn trương kéo giảm TNGT.

Trước tình hình này, không chỉ là tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT đường bộ, nâng cao ý thức chấp hành luật lệ của mọi người khi tham gia giao thông; các cấp ngành, chính quyền địa phương cần duy trì thường xuyên, liên tục công tác tuần tra, kiểm soát việc đội mũ bảo hiểm, nồng độ rượu bia của lái xe, chạy quá tốc độ, đua xe trái phép… ngay ở các địa bàn khu công nghiệp, khu dân cư nội thị. Ngành giao thông cần tiến hành kiểm tra duy tu, sửa chữa đường sá, kịp thời bổ sung, điều chỉnh hợp lý: hệ thống đèn chiếu sáng, biển báo chỉ dẫn giao thông đường bộ, xử lý kỹ thuật các “điểm đen” về TNGT… nhằm bảo đảm ATGT một cách hiệu quả hơn; đặc biệt cần quan tâm nhắc nhở, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ lái xe của các doanh nghiệp, HTX vận tải hành khách… tuân thủ các quy định về quản lý hoạt động vận tải,bảo đảm ATGT.

Thời gian qua, Bình Dương là địa phương phát triển nhiều mặt về kinh tế - xã hội; đời sống của người dân nâng cao; riêng lĩnh vực hạ tầng giao thông chuyển biến mạnh, hệ thống cầu đường được đầu tư mở rộng, khang trang nhưng TNGT cũng tăng theo, phần lớn do người tham gia giao thông mắc lỗi chủ quan, không làm chủ tốc độ, giành đường lấn tuyến… mà gây ra tai nạn. Mặt khác, việc triển khai đầu tư chưa đồng bộ, kịp thời về hệ thống đèn chiếu sáng, biển báo giao thông… cũng là những trở ngại khách quan cần sớm được khắc phục. Từ thực tế trên, ngành giao thông cần tăng cường giám sát việc duy tu, bảo dưỡng cầu đường, kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm nhằm bảo đảm an toàn đường sá; phối hợp cùng ngành chức năng tổ chức tốt việc kiểm tra sát hạch, đào tạo lái xe, cơ sở đăng kiểm… đáp ứng điều kiện theo quy định về con người, phương tiện tham gia giao thông.

Hậu quả từ TNGT luôn là những mất mát, đau thương cho nhiều gia đình, cũng là gánh nặng cho toàn xã hội. “ATGT - trách nhiệm của mỗi người” không phải là khẩu hiệu suông, kêu gọi chung chung; đây còn là lời nhắc nhở cần thiết: chấp hành nghiêm quy định khi tham gia giao thông cũng chính là bảo vệ sinh mạng, hạnh phúc bản thân và góp phần làm tươi đẹp cuộc sống của cộng đồng.

 THANH NHÀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên