Lỗ hổng quản lý!

Cập nhật: 16-03-2013 | 00:00:00

Những câu chuyện về thị trường mấy tuần qua làm “nóng” các trang báo trên cả nước. Từ chuyện mũ bảo hiểm (MBH) không bảo đảm chất lượng tràn lan đến vụ sữa dê xuất xứ tận nước Mỹ xa xôi lại được sản xuất tại… Sài Gòn, rồi hàng loạt cuốn sách tham khảo, bồi dưỡng kiến thức cho trẻ em sai sót trầm trọng về nội dung lẫn hình thức... Tất cả đều đã gióng lên hồi chuông về một lỗ hổng “to tướng” trong khâu quản lý!

Cái lập luận mà người tiêu dùng (NTD) thường nghe mỗi khi “đụng chuyện” mà cơ quan chức năng đưa ra đó là do lực lượng mỏng, địa bàn rộng, rồi thủ đoạn tinh vi không dễ phát hiện... Nghe mãi thành nhàm chán nên chẳng ai thèm nghe những lời “thanh minh, thanh nga” kia nữa. Khổ nỗi, với chiếc MBH thì NTD lại có phản ứng gay gắt khi cơ quan chức năng đưa ra “biện pháp” đòi phạt những ai đội mũ dỏm.

Lạ đời chưa, chiếc MBH kém chất lượng sờ sờ ra đó, bày bán tràn ngập trên các cung đường, sạp chợ chứ có che giấu “tinh vi” chỗ nào đâu. Dẹp nạn mũ giả, mũ kém chất lượng là trách nhiệm của cơ quan quản lý, cớ sao lại “bắt tội” NTD! Muốn phạt cứ phạt những ai sản xuất, kinh doanh, hàng nhái, hàng kém chất lượng, truy tới tận cùng để “quét sạch” loại hàng hóa kia, trả lại một thị trường “sạch” cho NTD đó mới là cách hành xử đầy trách nhiệm của các lực lượng chức năng. Muốn NTD chung tay trong “trận chiến” này, có chăng cũng chỉ là tuyên truyền, định hướng để họ phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm tránh xa mà thôi.

Chưa xong chuyện chiếc MBH lại tiếp vụ sữa dê của Mỹ sản xuất tại Sài Gòn. Sau khi báo chí truy tận cùng những lập luận đầy tính ngụy biện của nhà nhập khẩu và phân phối, lực lượng chức năng vào cuộc và mọi sự lập lờ, gian lận thương mại đã phơi bày. Cái vụ sữa dê ngọn nguồn gian lận cũng chỉ vì lợi nhuận, siêu lợi nhuận mà nhà nhập khẩu đã bất chấp quyền lợi của NTD. Nhưng xét trên khía cạnh quản lý thì các cơ quan chức năng vẫn phải “liên đới” trách nhiệm. Họ nhập khẩu nguyên liệu, đóng gói và phân phối loại sữa nổi tiếng này ra thị trường đòi hỏi cơ quan quản lý phải biết, phải kiểm tra, kiểm soát. Không kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa trên thị trường, trách nhiệm này chẳng lẽ lại “nhường” cho NTD?

Tương tự là vụ những cuốn sách tham khảo vớ vẩn, in cả những lá cờ của Trung Quốc để giáo dục cho trẻ em nước Việt lại cũng chính là trách nhiệm quản lý, từ quản lý chuyên ngành cho đến quản lý thị trường. Vẫn biết là sau khi phát hiện thì các cuốn sách “có vấn đề” đã bị thu hồi để xử lý nhưng đó vẫn là bài học “đau” cho công tác quản lý, kiểm duyệt trước khi cho lưu hành trên thị trường. Lỗ hổng quản lý chưa “bịt kín” thì những câu chuyện tương tự vẫn còn “đất” để tồn tại là lẽ đương nhiên!

CẢNH HƯỞNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên