Khẳng định rõ vị thế Công đoàn

Cập nhật: 07-10-2011 | 00:00:00

Muốn xây dựng quan hệ lao động hài hòa, cân đối thì điều quyết định hàng đầu là phải xây dựng tổ chức Công đoàn thật sự vững mạnh, đủ sức đại diện cho người lao động thương lượng với giới chủ

  Công nhân Công ty ProKingtex (quận Bình Tân - TPHCM) thi tay nghề do LĐLĐ quận và CĐ công ty tổ chức

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 5-10, dự thảo Luật Công đoàn (CĐ) sửa đổi đã được đưa ra xem xét. Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật CĐ, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật CĐ năm 1990 và cho rằng dự thảo Luật CĐ sửa đổi cơ bản bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Chức năng quan trọng nhất là đại diện

Các đại biểu đã đóng góp ý kiến khá sôi nổi cho dự thảo Luật CĐ sửa đổi; trong đó tập trung thảo luận việc điều chỉnh và làm rõ hơn một số vấn đề về vai trò của CĐ đối với các thành phần kinh tế; làm rõ và thuyết phục hơn về việc thu kinh phí CĐ cũng như các vấn đề về tài chính CĐ; quyền và nghĩa vụ của tổ chức CĐ trong thời kỳ mới…

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết: “Về địa vị pháp lý, điều 10 Hiến pháp và Luật CĐ năm 1990 đều khẳng định CĐ là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động (NLĐ); có trách nhiệm tham gia với Nhà nước để chăm lo cho NLĐ. Hiện cả nước đã có 84.600 doanh nghiệp (DN) có từ 20 lao động trở lên, trong đó gần 50% đã có tổ chức CĐ. Còn DN có từ 50 lao động trở lên đã có gần 90% có tổ chức CĐ”.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, khẳng định: “Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam hội nhập mạnh mẽ. Các thành phần kinh tế phát triển không ngừng làm nảy sinh nhiều vấn đề mới mẻ, phức tạp trong quan hệ giữa người sử dụng lao động và NLĐ. Chính vì vậy, chức năng quan trọng nhất của CĐ được xác lập là đại diện cho NLĐ. Muốn xây dựng được quan hệ lao động hài hòa, cân đối thì điều tiên quyết và quyết định là phải xây dựng tổ chức CĐ thật sự vững mạnh, đủ sức đại diện cho NLĐ để thương lượng với giới chủ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ”.

Luật hóa việc trích nộp kinh phí CĐ

Một nội dung khác được nhiều đại biểu góp ý là kinh phí CĐ. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nêu rõ: “CĐ Việt Nam chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, là tổ chức đại diện cho CNVC-LĐ và hoàn toàn không giống tổ chức CĐ các nước tư bản nên ngoài khoản đoàn phí, Luật CĐ năm 1990 còn quy định nghĩa vụ trích nộp kinh phí CĐ của người sử dụng lao động. Điều này thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân của chế độ ta”.

Từ năm 1997, do kinh tế khó khăn, Chính phủ tạm thời cho phép không trích 2% kinh phí ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài; sau đó, kinh tế phục hồi, Chính phủ quyết định tiếp tục thu 1% kinh phí CĐ đối với DN có vốn nước ngoài từ năm 2009. Khoản trích nộp kinh phí CĐ được hạch toán vào chi phí sản xuất, dành chăm lo cho NLĐ cũng như tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho NLĐ và tuân thủ các quy định chặt chẽ về thu chi tài chính CĐ. Điều này là cần thiết để xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh; nâng cao vai trò CĐ ở trong nước cũng như trên thế giới.

Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội, ủng hộ quy định phải trích nộp kinh phí CĐ. Tuy nhiên, cần quản lý đúng pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chi tiêu nguồn kinh phí CĐ. Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng cần xem xét ban hành luật này trong bối cảnh mới: Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO và đang tiến hành công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Luật CĐ không chỉ bảo vệ NLĐ mà phải làm cho người sử dụng lao động thấy rõ vai trò tích cực của CĐ và lợi ích khi thành lập CĐ như nâng cao năng suất lao động, sáng kiến cải tiến; tạo động lực cho NLĐ làm việc, gắn bó; hài hòa, ổn định quan hệ lao động…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:

Phải xây dựng hệ thống Công đoàn vững mạnh

Điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của nước ta càng đòi hỏi phải xây dựng hệ thống CĐ vững mạnh. NLĐ ở các công ty nước ngoài rất đông, nếu không có CĐ sẽ không thể xác lập sự cân đối, bình đẳng trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, Luật CĐ sửa đổi cần lý giải thuyết phục hơn vấn đề thu kinh phí CĐ; làm rõ hơn vai trò đại diện, bảo vệ để NLĐ thấy được quyền lợi của mình khi gia nhập CĐ cũng như thuyết phục được người sử dụng lao động thấy rõ lợi ích của việc thành lập CĐ.

Theo NLĐ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=451
Quay lên trên