Khi nào thì bị tội danh “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội”?

Cập nhật: 13-12-2013 | 00:00:00

Tại Điều 250 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 quy định khá chi tiết về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” và quy định về tội danh này được giữ nguyên trong lần sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009.

 

Nếu giá trị của tang vật phạm pháp đủ để cấu thành cơ bản trong các điều luật tương ứng thì người thực hiện hành vi tiêu thụ mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Liên ngành Trung ương Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 09/2011 hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS về tội “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” và tội “rửa tiền”. Tuy nhiên, điểm gây tranh cãi nhiều nhất hiện nay trong thực tế áp dụng là có hay không có yếu tố định lượng trong việc định tội danh này.

Tại khoản 1 Điều 250 BLHS năm 1999 quy định như sau: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Do Điều 250 BLHS không quy định trong cấu thành cơ bản định lượng tài sản phạm tội nên chỉ cần đó là tài sản do phạm tội mà có là đã đủ dấu hiệu của tội phạm. Khi hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản bị phát hiện cùng với hành vi của người phạm tội thì cả hai hành vi được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong cùng vụ án.

Quy định như trên có sự bất hợp lý giữa quy định của các điều luật liên quan đến tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Sau đây xin đưa ra một tình huống cụ thể để làm rõ thêm về vấn đề này.

Phan Q gặp Trần V tại một quán cà phê. Phan Q biết Trần V làm nghề sửa máy vi tính nên đặt vấn đề: “Anh có mua hàng nóng không”. V trả lời: “Có nhưng phải cho anh xem hàng trước” rồi V đưa số điện thoại cho Q để khi nào có hàng thì Q gọi V đến mua. Sau đó hai ngày, Q đi trộm cắp tài sản, lấy được một túi xách, bên trong có máy tính xách tay hiệu Acer. Q gọi điện cho V đến xem hàng. Sau khi xem hàng, V định không mua, nhưng do Q năn nỉ, đồng ý cho V tìm người khác mua rồi mới lấy tiền nên V đồng ý lấy máy. V đi tìm Trương A, cũng là người sửa máy vi tính để bán lại. Khi A hỏi nguồn gốc hàng, V nói là “hàng nóng”. A đồng ý mua máy tính xách tay nói trên với giá 1.500.000 đồng. V lấy tiền về đưa lại cho Q 1.200.000 đồng, còn 300.000 đồng V lấy tiêu xài cá nhân. Q bị công an phát hiện bắt giữ. Sau khi định giá, Hội đồng định giá kết luận, giá trị chiếc máy tính xách tay trên là 1.900.000 đồng. Do Q đã có một tiền sự về hành vi chiếm đoạt tài sản, nên Viện kiểm sát truy tố Q về tội “Trộm cắp tài sản”.

Đối với hành vi của V và A, có nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể như sau:

Quan điểm thứ nhất: V đồng phạm với Q về hành vi “Trộm cắp tài sản”, nhưng do giá trị của tang vật phạm tội chưa tới 2.000.000 đồng nên V chỉ bị xử lý hành chính. Còn A phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” do tội này không quy định yếu tố định lượng. Đối với quan điểm này, áp dụng Điều 250 BLHS là không sai, nhưng lại cho thấy sự không hợp lý. Bởi lẽ hành vi của V là có yếu tố hứa hẹn trước, về mức độ là nguy hiểm hơn so với hành vi của A. Nhưng V chỉ bị xử lý hành chính trong khi A lại bị xử lý hình sự.

Quan điểm thứ hai: A không phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” bởi việc Q bị truy tố, xét xử về hành vi trộm cắp tài sản chiếc máy tính là căn cứ vào nhân thân (đã có một tiền sự về hành vi chiếm đoạt tài sản) chứ riêng hành vi trộm cắp tài sản chiếc máy tính của Q chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm; vì giá trị tài sản chiếm đoạt chưa tới 2.000.000 đồng. Chính vì vậy, hành vi tiêu thụ chiếc máy tính của A cũng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Cách hiểu này, mặc dù không căn cứ theo “tinh thần” của Điều 250 của BLHS, nhưng lại cho thấy sự phù hợp giữa các điều luật.

Quan điểm thứ hai nhận được nhiều đồng tình. Việc Điều 250 BLHS không quy định định lượng tài sản xuất phát từ ý nghĩa đối tượng có được do phạm tội mà có thì tài sản trong tội này có được từ bất cứ tội nào có liên quan đến tài sản. Tuy nhiên, định lượng tài sản trong mỗi tội theo quy định của BLHS là khác nhau, có tội có quy định về định lượng, có tội lại không quy định. Hơn nữa, ngay bản thân quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 250 BLHS có quy định về yếu tố định lượng (tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn, rất lớn và đặc biệt lớn) và Thông tư liên tịch số 09 cũng hướng dẫn cụ thể như thế nào thì bị coi là tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn, rất lớn và đặc biệt lớn. Do đó, để đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện đối với hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì cần phải có yếu tố định lượng trong cấu thành cơ bản.

 

 NGUYỆT MINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=647
Quay lên trên