Khi nông dân không có đất canh tác

Cập nhật: 12-07-2011 | 00:00:00

Thu nhập từ nông nghiệp của một bộ phận nông dân đang giảm và chênh lệch thu nhập đang ngày càng giãn rộng, từ đó kéo theo chất lượng bữa ăn của nhiều hộ nông dân tại một số nơi có dấu hiệu giảm... là một trong những nội dung của kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2010 tại 12 tỉnh trên cả nước của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và nhóm nghiên cứu kinh tế phát triển Đại học Copenhagen (Đan Mạch) vừa được công bố mới đây. Theo báo cáo, một chỉ số được coi là rất quan trọng đã được nhóm nghiên cứu khảo sát kỹ, đó là tình trạng nông dân không có đất canh tác. Kết quả nghiên cứu cho thấy có tới 6% số hộ nông dân ở nông thôn không hề có mảnh đất nông nghiệp nào. Mức độ nông dân không có đất canh tác tại các tỉnh cũng khác nhau, trong đó nhiều tỉnh tỷ lệ nông dân không có đất canh tác cao đến mức đáng lo ngại, như Long An với gần 9,4%, Đắc Lắc 9%, Đắc Nông 5,8%. Đặc biệt, Khánh Hòa có tới 18,4% số hộ nông dân không có đất canh tác! Câu hỏi được đặt ra là nông dân làm gì khi không có đất?

  Chính vì không có đất canh tác nên một bộ phận nông dân ở nông thôn đã phải tham gia nhiều hoạt động khác nhau để có thu nhập. Điều này cho thấy người nông dân phải tìm và làm nhiều việc hơn để duy trì cuộc sống trước khó khăn. Các chuyên gia của nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đây chính là nguy cơ vì một khi phải làm nhiều việc, người nông dân mất đi cơ hội tăng quy mô, kỹ năng để sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, lợi nhuận. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, diện tích đất nông nghiệp giảm là do sự phát triển công nghiệp. Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách đền bù và hỗ trợ học nghề nhưng việc giảm diện tích đất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của một bộ phận nông dân ở nông thôn.

Bình Dương không nằm trong số 12 tỉnh là đối tượng nghiên cứu của dự án nên chưa có con số cụ thể, nhưng tình trạng nông dân không có đất canh tác chắc chắn cũng sẽ rất cao. Điều đó là dễ hiểu bởi Bình Dương đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, quá trình tích tụ ruộng đất cho các trang trại trồng cây công nghiệp, mà đặc biệt là cao su, cũng khiến một bộ phận nông dân ở Bình Dương rơi vào tình trạng thiếu đất hoặc không có đất để canh tác, phải chuyển sang làm các nghề khác để kiếm sống. Hầu hết trong số đó đều có việc làm ổn định tại các nhà máy, xí nghiệp hoặc các trang trại có quy mô sản xuất lớn trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không xin được việc làm do hạn chế bởi trình độ học vấn, tay nghề hoặc do lớn tuổi, buộc phải hành nghề tự do nên thu nhập không ổn định.

Thực tế cho thấy, nơi nào nông dân có nhiều đất canh tác thì nơi đó nông dân giàu, nông nghiệp và nông thôn phát triển bền vững. Thực tế cũng cho thấy, các hộ nông dân càng nghèo thì phụ thuộc càng nhiều vào nông nghiệp, trong khi họ không có đất để canh tác nên thu nhập rất bấp bênh. Trước tình trạng này, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải nhanh chóng nhập cuộc để tránh tình trạng “bần cùng hóa” một bộ phận nông dân, đặc biệt những hộ nông dân do gặp rủi ro, thiếu vốn sản xuất hoặc có người ốm đau, tật bệnh. Nếu không quan tâm tạo việc làm cho nông dân tại chính nông thôn nơi họ sinh sống thì những người này sẽ rất dễ bị gạt ra ngoài lề xã hội một khi họ di chuyển đến khu vực thành thị. Và, đây sẽ là gánh nặng của xã hội mà muốn khắc phục, phải tốn kém kinh phí nhiều hơn.

Con số bình quân 6% hộ nông dân ở nông thôn không hề có mảnh đất nông nghiệp đã và đang nói lên nhiều điều. Con số này đang nhắc nhở chính quyền các địa phương quan tâm nhiều hơn đến nông dân bằng những chính sách cụ thể. Có như vậy thì nông nghiệp, nông thôn và nông dân mới có điều kiện để phát triển bền vững.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên