Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau…

Cập nhật: 17-10-2016 | 08:04:43

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đây cũng là thông điệp của Chính phủ trong nỗ lực xóa bỏ đói nghèo với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1 - 1,5%/năm với nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo điều kiện, khuyến khích hộ nghèo, hộ cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.

 Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo. Từ đó, công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được những mục tiêu cơ bản. Trong 5 năm (2011-2015), tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 4,25% (năm 2015). Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo vẫn chưa thật sự bền vững. Tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao. Hiện nay cả nước còn có đến 41 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Khoảng cách giàu - nghèo có nguy cơ nới rộng. Nhiều chủ trương, chính sách về giảm nghèo ở một số nơi chưa được triển khai tốt, chưa sáng tạo hoặc vận dụng không phù hợp. Mặt khác, khi áp dụng chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo về thu nhập trong giai đoạn 2016-2020 được Chính phủ phê duyệt (700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn, 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị) thì tỷ lệ hộ nghèo cả nước khoảng 12% và hộ cận nghèo khoảng 6%, cao hơn nhiều so với giai đoạn 2010- 2015. Chuẩn nghèo mới từ năm 2016 là chuẩn nghèo đa chiều, ngoài tiêu chí thu nhập, còn thêm các tiêu chí khác như tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, điều kiện sống cơ bản, thông tin, bảo hiểm, trợ giúp xã hội...

Vì vậy, để thực hiện đạt mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đó là, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về tiêu chí, yêu cầu, nội dung, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện chương trình. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và dành nguồn lực đáng kể cho công tác xóa đói giảm nghèo. Mỗi địa phương nên đặt mục tiêu giảm nghèo trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, để chương trình giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức, như Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Việc xây dựng, thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền, vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương”.

 NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=648
Quay lên trên