Mùa tết năm Tân Sửu 2021 đã khép lại mà không có hiện tượng khan hàng, sốt giá, nhất là ở một số mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như bia và các loại nước giải khát, dầu ăn, nhóm sữa và các loại thịt gia súc, gia cầm, rau xanh, trái cây… Năm nay, tình hình cung cầu hàng hóa tết phụ thuộc chủ yếu bởi hai yếu tố, sức mua không tăng quá cao do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và đặc biệt là lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tăng mạnh so với tết năm ngoái.
Theo Sở Công thương, nhờ chủ động và linh hoạt thực hiện kế hoạch bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu nên tình hình thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã giữ được sự ổn định. Bên cạnh xây dựng kế hoạch phục vụ tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh cũng triển khai chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm... Cùng với đó, quan tâm chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, đưa hàng bình ổn tới tay người tiêu dùng, chú trọng tới người dân ở vùng xa... Theo thống kê, tổng giá trị hàng hóa dự trữ theo kế hoạch khoảng 4.787 tỷ đồng, chưa bao gồm lượng xăng dầu, thuốc trị bệnh và khẩu trang, thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh. Số lượng hàng hóa tăng 14,9% so với kế hoạch năm 2020. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường đã tổ chức dự trữ lượng hàng hóa ước đạt 100% so với kế hoạch và phân phối bán buôn, bán lẻ tại 12 siêu thị, 250 cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh. Năm nay, tỉnh cũng triển khai chương trình bình ổn thị trường một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của địa phương bằng việc mở rộng nhóm hàng hóa thuộc diện bình ổn giá, thực hiện bình ổn giá cả năm đối với một số hàng hóa thiết yếu trong danh mục của địa phương như mặt hàng giáo dục, sữa học đường, hàng hóa thiết yếu phục vụ tết… Giá bán hàng bình ổn được các doanh nghiệp cam kết giữ ổn định trong thời gian trước, trong và sau tết và được niêm yết giá công khai. Hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên phương thức mua hàng cũng có nhiều thay đổi, việc mua bán trực tuyến được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được áp dụng nghiêm ngặt theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng để bảo đảm an toàn. Tại các chợ dân sinh, giá hàng hóa không có biến động nhiều. Nhìn chung, sức mua trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 chỉ tăng nhẹ từ 3 - 5% so với bình thường, bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm đón tết của người dân, kể cả việc cung ứng cho những khu vực bị cách ly, phong tỏa để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
T.ĐỒNG