Truyền thống, hàng năm trong tháng giêng âm lịch có hàng trăm lễ hội mang tính địa phương và quốc gia diễn ra ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Lễ hội là do nhu cầu văn hóa và phần nào mang tính tâm linh, tín ngưỡng - một nhu cầu không thể thiếu của con người. Tuy nhiên, “tháng ăn chơi” đã gây lãng phí rất nhiều thời gian, sức người, sức của. Đó là chưa tính đến một số lễ hội là nơi phát sinh các hủ tục, tệ nạn như cờ bạc, rượu chè, mê tín dị đoan, kinh doanh chụp giật và nhiều trò biến tướng…
Đợt nghỉ tết, vui xuân đã hết. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… đã bắt nhịp hoạt động trở lại. Mọi người lại bắt tay vào với những công việc thường nhật của mình. Và có lẽ do tinh thần của “tháng ăn chơi” vẫn còn len lỏi trong tâm trí không ít người nên cho rằng hết tết vẫn còn xuân, chưa đi du xuân đây đó một chuyến là chưa “giải tỏa” được sức ỳ, chưa “nóng máy” để làm việc!
Để chấn chỉnh một tiền lệ không tốt, mới đây, tại Thông báo số 79/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, ngoài yêu cầu tập trung triển khai một số công tác sau tết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị; cán bộ công chức, viên chức khẩn trương triển khai giải quyết, xử lý công việc ngay sau khi nghỉ tết bảo đảm chất lượng và tiến độ; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, không tổ chức du xuân, dự lễ hội, liên hoan sa đà, lãng phí. Thủ tướng cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương chỉ đạo việc tổ chức lễ hội theo tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội.
Không thể phủ nhận những ý nghĩa tốt đẹp mà “tháng ăn chơi” mang lại cho đời sống tinh thần của con người. Nhưng nếu chúng ta không chấn chỉnh những mặt trái của nó thì “tháng ăn chơi” sẽ còn và đang tác động tiêu cực đến đời sống xã hội và “tháng ăn chơi” được xem như một sự hoang phí cực lớn về cả thời gian lẫn tiền bạc.
NHẬT HUY