Kinh tế Bình Dương sau 16 năm tái lập: Tăng trưởng cao và ổn định theo hướng bền vững

Cập nhật: 02-01-2013 | 00:00:00

Sau 16 năm tái lập, kinh tế Bình Dương đã có sự phát triển vượt bậc và đạt nhiều thành tựu đáng kể. Nếu so với những ngày đầu mới tái lập thì các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Bình Dương hiện đã tăng hàng chục lần và đang phát triển theo hướng bền vững. Có được kết quả đó là nhờ Bình Dương biết kế thừa, phát huy truyền thống và sáng tạo trong quá trình phát triển…

  

 Công nghiệp phát triển, Bình Dương đã thu hút hàng trăm ngàn lao động từ các địa phương khác đến làm việc

Kinh tế phát triển vượt bậc

Nếu so sánh các chỉ tiêu kinh tế hiện nay của Bình Dương với ngày đầu mới tái tỉnh (1-1- 1997), có thể dùng hai chữ “diệu kỳ” mới có thể lột tả hết những thành tựu đã đạt được. Chỉ sau 16 năm, từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương đã trở thành một tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tạo ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu như năm 1997, cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng là 50,45% - 26,8% - 22,8%; giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt khoảng 4.000 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 3.042 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 363 triệu USD và gói gọn trong các ngành hàng như công nghiệp nhẹ và thủ công, hàng nông - lâm - thủy sản; thu ngân sách đạt 817 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài còn rất khiêm tốn…, thì hiện nay các chỉ số đó của Bình Dương đã cao gấp hàng chục lần. Cụ thể, tính đến cuối năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 140.660 tỷ đồng, tăng gấp 32 lần so với thời điểm 1997; tổng mức bán lẻ và kinh doanh dịch vụ đạt gần 75.146 tỷ đồng, tăng bình quân 24%/năm và gấp 24 lần năm 1997; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 12 tỷ USD và tăng gấp 33,5 lần so với năm 1997; thu ngân sách đạt 24.000 tỷ đồng, tăng gần 30 lần; cơ cấu kinh tế của tỉnh vẫn là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, nhưng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đã tăng nhanh, tỷ trọng nông nghiệp chiếm rất thấp trong cơ cấu kinh tế, với tỷ lệ tương ứng là 62% - 34,2% - 3,8%.  

 Công nhân Công ty tôn Đông Á vận hành máy móc sản xuất tôn thép

Trong quá trình phát triển, Bình Dương đã biết chú trọng đến việc huy động mọi nguồn lực vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với đô thị hóa và công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn. Nếu như năm 1997 Bình Dương mới có 6 KCN với diện tích quy hoạch 800 ha, thì đến nay Bình Dương đã phát triển được 28 KCN và 8 cụm CN tập trung với diện tích gần 10.000 ha và đạt tỷ lệ lấp đầy 60%. Bên cạnh đó, nhờ tạo dựng được môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư nên Bình Dương được các nhà đầu tư trong và ngoài nước chọn lựa là điểm đến để làm ăn. Nhờ vậy, đến nay Bình Dương đã thu hút được gần 13.400 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký gần 103.000 tỷ đồng, tăng 11 lần so với ngày tái lập tỉnh và 2.117 dự án của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 17,3 tỷ USD, tăng hơn 15 lần cả về số lượng dự án lẫn số vốn đầu tư. Chính sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế đã góp phần đẩy nhanh quá trình ngành phát triển công nghiệp sản xuất, trong đó chủ yếu là công nghiệp công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh lớn. Từ đó, góp phần giúp Bình Dương phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đời sống người dân được nâng cao

Kinh tế phát triển nhanh, đóng góp của các thành phần kinh tế vào ngân sách lớn nên Bình Dương có điều kiện để thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm… cho người dân. Cụ thể, đến cuối năm 2012, Bình Dương cơ bản đã thoát nghèo theo tiêu chí của tỉnh giai đoạn 2011-2015. Giáo dục cũng phát triển tốt theo chiều sâu, tỷ lệ tốt nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước; 100% trường học trên địa bàn được xây dựng kiên cố; 100% huyện, thị đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Về y tế, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ phục vụ, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Chủ trương xã hội hóa lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế có điều kiện thuận lợi và phát triển mạnh. Bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống nhân dân được nâng cao; công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình chính sách được quan tâm và thực hiện tốt… Bên cạnh đó, nhiều mặt về văn hóa - xã hội có bước phát triển nhảy vọt, đời sống tinh thần của nhân dân theo đó tiếp tục được nâng cao…

Có được các thành tựu nói trên là nhờ sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Từ sự kế thừa và phát huy thành quả của tỉnh Sông Bé trước đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, phát huy tiềm lực, lợi thế, khai thác tốt các nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để mời gọi đầu tư. Thành quả đó còn là kết quả của sự quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, huy động được sức mạnh tổng hợp từ nhân dân của Đảng bộ, chính quyền địa phương. Kết quả đó là niềm tin, là cơ sở quan trọng để Bình Dương tiếp tục vượt qua thách thức, tiếp tục làm nên thắng lợi trong giai đoạn mới.

So với năm đầu tiên tái lập tỉnh (1997), thu hút đầu tư trong nước của Bình Dương tăng 11 lần, thu hút đầu tư nước ngoài tăng hơn 15 lần cả về số lượng dự án lẫn số vốn đầu tư; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 32 lần; tổng mức bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tăng 24 lần; kim ngạch xuất khẩu tăng 33,5 lần; thu ngân sách tăng gần 30 lần… Năm 1997, Bình Dương mới có 6 KCN với diện tích quy hoạch 800 ha, thì đến nay đã phát triển lên 28 KCN và 8 cụm CN tập trung với diện tích gần 10.000 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 60%.

 

 V.GIANG

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=284
Quay lên trên