Lao động việc làm trong xu thế mới của vốn FDI

Cập nhật: 09-06-2020 | 14:22:06

Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam sẽ chuyển biến mạnh mẽ và xu thế mới của vốn FDI trong tương lai, lao động Việt Nam sẽ cần trang bị nhiều kỹ năng và trình độ cao hơn.

Lao động Việt Nam sẽ cần trang bị nhiều kỹ năng và trình độ cao hơn trong xu thế mới của vốn FDI. (Ảnh minh họa: NDO)

Đánh giá của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung được đưa tại bài Tham luận gửi Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI [Đầu tư trực tiếp] và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” diễn ra sáng 9-6.

Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua đã có tác động không nhỏ tới sự phát triển của thị trường và năng suất cũng như thu nhập của người lao động Việt Nam.

Cụ thể, số lượng công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp đã được gia tăng đáng kể. Số lượng lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng từ 330 nghìn năm 1995 lên khoảng 6,1 triệu lao động vào năm 2019. Tốc độ tăng lao động của khu vực này, bình quân 7,72%/năm giai đoạn 2005-2017, cao hơn nhiều tăng trưởng lao động toàn nền kinh tế và các thành phần kinh tế khác.

Sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp sang các ngành sử dụng nhiều lao động chất lượng cao hơn được đẩy mạnh.

Trong thời kỳ đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lao động thường tập trung vào một số ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may, da giày, song hiện nay, tỷ trọng lao động trong một số ngành sản xuất áp dụng công nghệ cao đang gia tăng nhanh chóng. Tỷ trọng lao động trong ngành điện tử và sản phẩm điện tử đã tăng từ 8,03% năm 2012 lên 15,7% năm 2017.

Năng suất lao động có sự chuyển biến tích cực nhờ nguồn vốn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Theo giá hiện hành, năng suất lao động của doanh nghiệp FDI năm 2017 đạt 330,8 triệu đồng/lao động, cao gấp 3,5 lần năng suất lao động chung của cả nước, cao hơn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp nói chung và của doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói riêng.

Thông qua hệ thống đào tạo nội bộ ở trong nước và nước ngoài, và liên kết với cơ sở đào tạo bên ngoài, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã đóng góp quan trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.

Việc làm sử dụng lao động phổ thông sẽ giảm dần

Trước những diễn biến vĩ mô hiện tại, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, trong tương lai gần, cấu trúc lao động đã, đang và sẽ tiếp tục dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ; từ các lĩnh vực thâm dụng lao động sang các ngành ứng dụng công nghệ.

“Việc làm sử dụng lao động phổ thông, ít kỹ năng sẽ giảm dần, thay vào đó là việc làm yêu cầu lao động có trình độ cao hơn và nhiều kỹ năng hơn” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung viết.

Người lao động, nhất là những lao động đã có tuổi, chưa qua đào tạo, ít kỹ năng, tay nghề yếu, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo và đào tạo lại để thích ứng với các ngành nghề mới.

Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, một phần lớn người lao động ở Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ mất việc, thất nghiệp và bị bỏ rơi trong xu thế dịch chuyển hiện nay, vị tư lệnh ngành Lao động, Thương binh và Xã hội lưu ý.

Theo đó Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất, cần tiếp tục các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, trao đổi với các tập đoàn lớn quốc tế, chủ động đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, hoàn thiện các cơ chế song phương và đa phương về thu hút đầu tư, sở hữu trí tuệ, ngân hàng, tài chính để các nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào Việt Nam qua các cơ chế chính sách, cơ chế hỗ trợ tài chính của họ.

Đồng thời, Bộ trưởng cho biết Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ chủ động phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, chủ động phân tích, dự báo xu hướng chuyển dịch trong lao động – việc làm, nhu cầu lao động trong nước và quốc tế để thường xuyên báo cáo, tham mưu cho Chính phủ. Bộ sẽ khảo sát, đánh giá sát sao hơn nữa thị trường lao động ở các địa phương trọng điểm, có các phương án chuẩn bị sẵn nguồn cung ứng lao động để đón nhận các dự án mới.

Hơn nữa, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng sẽ chủ động phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ ban ngành liên quan đánh giá, xác định được nhu cầu kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế mới để có những điều chỉnh phù hợp cho hệ thống giáo dục và đào tạo trong nước, đặc biệt là công tác xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo đáp ứng đúng và đủ nhu cầu các ngành nghề mới.

Theo NDĐT

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1128
Quay lên trên