Lòng tự trọng

Cập nhật: 16-12-2013 | 00:00:00

“Tôi đã bị hôi bia, giờ không lẽ tôi lại hôi tiền” - tài xế Hồ Kim Hậu, nạn nhân trong vụ bị “hôi” hơn 1.000 két bia sau khi đổ xuống đường tại Đồng Nai, hôm qua đã giải thích như vậy khi nói về lý do anh quyết định nhờ ngân hàng hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã được các nhà hảo tâm giúp đỡ, quyên góp trong thời gian qua nhằm giúp anh khắc phục hậu quả vụ “hôi bia”. Theo anh Hậu, dù không phải bồi thường thiệt hại trong vụ “hôi bia” nhưng nhiều người biết được hoàn cảnh khó khăn của anh đã đề nghị gửi tiền giúp anh có vốn làm ăn, tuy nhiên anh cũng đã cảm ơn và từ chối.

Câu chuyện “hôi bia” đáng xấu hổ xem ra đã có hướng giải quyết ngày càng tốt đẹp hơn khi phía công ty sản xuất bia quyết định không yêu cầu đền bù số bia bị “hôi của” vừa qua, đồng thời ngay sau khi biết được tin mừng này, tài xế Hồ Kim Hậu vừa rơi nước mắt vừa cho biết sẽ hoàn trả lại tiền đã được các nhà hảo tâm giúp đỡ. Một diễn biến khá có hậu và người tài xế nghèo cũng thể hiện lòng tự trọng của mình đúng lúc, đúng chỗ, được dư luận rất quý mến. Điều này còn góp phần làm nhẹ bớt những dư âm, lời đàm tiếu thậm chí còn bị nâng lên thành lối sống của một bộ phận người Việt đã xuất hiện đầy rẫy trên các báo trong, ngoài nước và cộng đồng mạng trong thời gian qua.

Khi vụ “hôi bia” diễn ra, dư luận đã viện dẫn nhiều trường hợp “hôi của” gây bức xúc tương tự để phê phán gay gắt hành vi tranh giành, “hôi bia” rất đáng xấu hổ này, đồng thời cũng nêu nhiều tấm gương về lòng tự trọng diễn ra cùng thời điểm như vợ chồng người bán ve chai nghèo ở Hà Nội nhặt được 10 lượng vàng vẫn kiên quyết trả lại cho chủ nhân; hai em học sinh tiểu học ở Bình Định trả lại tiền và vàng nhặt được ven đường... Đó là một cách phê bình, giáo dục không mới nhưng khá sinh động và thiết thực, nhất là đối với các em ở độ tuổi đang lớn, đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách.

Người đời thường hay nói “của thiên trả địa”, tức cái gì không phải do công sức mình làm ra thì khó giữ bền vững. Nói theo mạch của câu chuyện “hôi bia, hôi của” thì đó là lòng tự trọng của mỗi con người. Của không do mình làm ra mà tranh giành, nhặt nhạnh thì ắt sẽ bị điều tiếng xấu, đó là chưa kể cơ quan công an ở Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án. Ngược lại, khi lòng tự trọng phát huy đúng lúc, đúng chỗ còn làm tôn thêm vẻ đẹp trong nhân cách của con người...

Đạo đức và lòng tự trọng từ giáo dục mà ra. Cho nên, từ câu chuyện “hôi bia” ở Đồng Nai, việc giáo dục tinh thần nhân ái, giúp nhau khi hoạn nạn cũng như sẵn sàng tẩy chay, lên án những hành vi xấu, đi ngược lại chuẩn mực đạo đức, nhất là đối với thế hệ trẻ càng trở nên thời sự.

Q.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=417
Quay lên trên