Thông thường vào khoảng trung tuần tháng 12, các doanh nghiệp (DN) tổng kết doanh số, trên cơ sở này mới tính toán chuyện lương, thưởng tết cho người lao động (NLĐ); thế nhưng những ngày qua cũng đã râm ran nghe chuyện luận bàn về lương, thưởng cuối năm. Một số DN tiên tiến chuẩn bị đưa ra mức thưởng ngay đầu năm, do họ có thể dự đoán được lợi nhuận cũng như mức thưởng và cách tính toán công bằng cho cả DN và NLĐ.
Tiền lương, thưởng cuối năm là khoản thu nhập cao hơn thu nhập hàng tháng mà NLĐ được hưởng; khoản tiền này thường dựa vào kết quả sản xuất - kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Ai cũng hiểu, thưởng tết cao hay thấp tùy thuộc vào lợi nhuận từ việc làm ăn của DN cũng như sự cống hiến của mỗi thành viên trong đơn vị. Nơi nào làm ăn phát đạt, vượt qua khó khăn, hàng hóa tiêu thụ mạnh thì đương nhiên tiền lương, thưởng tết sẽ cao; chả bù cho số làm ăn thua lỗ, cơ quan hành chính “ba cọc, ba đồng” thì đào đâu ra, chỉ gắng gượng “thưởng tượng trưng” khiến NLĐ “tủi thân” không ít! Trong tình hình giá cả tăng vọt như hiện nay, khoản tiền thưởng cuối năm sẽ có ý nghĩa biết bao!
“Thưởng nhiều - xài nhiều, thưởng ít - xài ít”! “Tiền thưởng bao nhiêu cũng không đủ”! Ai cũng nói vậy, nhưng thử xem nếu không thưởng thì gay go! Chính vì vậy mà nhìn xem gương mặt của những nhà quản trị, người lo cơm áo gạo tiền của từng DN vào những ngày này “đau đáu lo toan” thấy mà tội nghiệp! Chuyện làm ăn cả năm của DN có dễ dàng, đơn giản gì đâu? Tính ra khoản tiền để thưởng đã khó, cách chia thưởng cũng chẳng dễ chút nào! Làm sao để được công bằng, tương xứng vì “chục đồng tiền công, không bằng một đồng tiền thưởng”! Nhìn chung, NLĐ chẳng khi nào chịu chấp nhận lương, thưởng bằng với mức năm trước chứ nói gì ở mức thấp hơn; bởi vì lạm phát gia tăng - thưởng bằng năm trước là đã kém, thậm chí có hơn năm ngoái chút ít nhưng không bằng tỷ lệ lạm phát cũng là đã kém hơn! NLĐ chỉ thấy rõ hình ảnh của DN và ý nghĩa thực sự thông qua giá trị vật chất cụ thể mà họ được chăm lo; vì vậy tiền thưởng tết là chế độ đãi ngộ để thu hút NLĐ, là sợi dây ràng buộc gắn bó giữa DN và NLĐ.
Sau cả năm trời vất vả miệt mài trong công việc, NLĐ trông chờ vào khoản tiền lương, thưởng tết là nhu cầu chính đáng. DN có cơ hội để thể hiện sự quan tâm, đánh giá cao lòng tận tụy, chăm chỉ của NLĐ. Lương, thưởng cuối năm cần “thỏa thuận, công khai” rõ ràng mức thưởng, thời gian chi thưởng để NLĐ cùng biết, tránh để tình trạng nợ tiền lương, tiền thưởng vào thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán.
Tiền thưởng còn là lời cảm ơn của DN gửi đến NLĐ. Khi đời sống của NLĐ được bảo đảm, lương thưởng xứng, họ an tâm cống hiến, trở thành động lực trực tiếp thúc đẩy NLĐ hăng hái - vì sự phát triển của DN và chính vì lợi ích thiết thân của họ.
THANH NHÀN