Mali vẫn đối mặt với nhiều thách thức sau khi chiến thắng

Cập nhật: 31-01-2013 | 00:00:00

Sự ổn định của Mali không chỉ là mong mỏi của người dân nước này mà còn của cả cộng đồng quốc tế.

Ngày 31-1, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố ủng hộ ý tưởng cử lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tới Mali. Ông cho biết, Pháp sẽ đóng vai trò trong bất cứ kế hoạch nào của LHQ. Hội đồng Bảo an LHQ chuẩn bị thảo luận về khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Mali.

  Binh sĩ Chad đi tuần tra  ở  các phố của Gao, phía Bắc Mali Trước đó, ngày 30-1, quân đội Mali cùng với sự hỗ trợ của quân đội Pháp đã làm chủ thành phố Kidal ở miền Bắc.

Đây có thể được coi là giai đoạn cuối cùng trong chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp vào Mali. Song, theo các nhà phân tích, thắng lợi này sẽ không kéo dài lâu nếu không có một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Pháp đã triển khai khoảng 4.500 binh lính trong chiến dịch không quân kéo dài 3 tuần nhằm giành quyền kiểm soát phía bắc Mali từ tay nhóm phiến quân. Tuy nhiên giới quan sát nhận định, các nhóm vũ trang vẫn chưa bị đánh bại. Chúng có thể đang trà trộn vào dân thường và chờ thời cơ quay lại sau khi quân đội Pháp rút quân và lực lượng an ninh Mali suy yếu.

Việc quân đội Mali cùng với sự hỗ trợ của quân đội Pháp đã chiếm được Kidal, thành phố cuối cùng ở miền Bắc còn nằm trong tay các nhóm hồi giáo vũ trang có thể coi là thành công trong chiến dịch truy quét phiến quân do Pháp dẫn đầu. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc giành thắng lợi ban đầu này sẽ khó có thể kéo dài nếu như 8.000 quân thuộc Phái bộ của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (AFISMA) không sớm được triển khai tới Mali.

Cùng với đó, Chính phủ Mali cũng cần thực hiện hai yêu cầu cấp bách: Thứ nhất là đối thoại với người Touareg vốn sẵn sàng hợp tác với Pháp và chính quyền Mali và thứ hai là hợp tác với các nước trong vùng để triệt phá các nhóm Hồi giáo vũ trang lẩn trốn ở vùng núi và trong sa mạc. Bởi trên thực tế, trong khi các quốc gia phương Tây vui mừng trước những thắng lợi trên thực địa thì cũng là lúc các quốc gia láng giềng, trong đó có Lybia được đặt trong tình trạng báo động an ninh khi các tay súng Hồi giáo cực đoan tìm đường cố thủ.

Trong bối cảnh này, ngày 30-1, Bộ Ngoại giao Pháp kêu gọi Chính phủ Mali tiến hành thương lượng với dân chúng các bộ tộc ở miền Bắc Mali nhằm bảo đảm an ninh, ổn định tình hình và tiễu trừ khủng bố tại nước này. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ cho rằng thách thức hiện nay là đảm bảo giữ chắc các thành phố, thị trấn vừa giành lại được, triển khai các sứ mệnh quốc tế nhằm ổn định miền Bắc Mali, truy đuổi phiến quân đến cùng để lực lượng này không thể tái hợp.

Thủ tướng Anh David Cameron trong chuyến thăm Algeria ngày 30/1, đã kêu gọi tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Mali. Ông nói: “Chúng tôi ủng hộ chiến dịch của quân đội Pháp và đây cũng chính là lý do chúng tôi hỗ trợ máy bay vận tải và do thám quân sự cho chiến dịch này. Song chúng tôi tin rằng về lâu dài một giải pháp chính trị và ngoại giao là cần thiết. Hỗ trợ nhân đạo và phát triển kinh tế cũng là một phần trong nỗ lực giải quyết các vấn đề của Mali.

Burkina Faso, nước trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng Mali cũng một lần nữa khẳng định, đã sẵn sàng cho một cuộc đối thoại chính trị tại Mali, đồng thời nhấn mạnh, không loại trừ việc sử dụng “sức mạnh vũ trang” một cách hợp pháp nhằm đạt được một giải pháp chính trị thông qua đàm phán.

Rõ ràng, hơn lúc nào hết, giờ đây sự ổn định của Mali không chỉ là mong mỏi của người dân nước này mà còn của cả cộng đồng quốc tế. Bởi những gì diễn ra tại Mali đang gây ảnh hưởng sâu rộng đến Tây Phi và vùng Sahen, làm trầm trọng thêm nguy cơ bất ổn đang gia tăng ở khu vực.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên