Thời gian qua, tình trạng hàng giả, hàng lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi. Đặc biệt, thủ đoạn ngày càng tinh vi, có hệ thống và gần đây xuất hiện ngày càng nhiều trên không gian mạng. Để phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ cần có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương và cả người tiêu dùng. Vấn đề này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương trong phiên họp thứ 36, vào sáng qua (21-8).
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thời gian qua một số đơn vị còn bị động trong công tác nắm tình hình, xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ; hoạt động vận chuyển trái phép hàng lậu qua biên giới và địa bàn nội địa vẫn diễn biến phức tạp; tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ còn nhiều...
Đặc biệt, tình trạng hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã nổi lên trên môi trường thương mại điện tử. Việc bán hàng trên môi trường mạng phát triển quá nhanh, không gian rộng, số lượng giao dịch rất lớn trong khi nguồn nhân lực để giám sát, xử lý còn mỏng đang đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp. Các thủ đoạn lừa đảo, giả mạo bán hàng trên không gian mạng ngày càng tinh vi. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng mới tham gia mua hàng online, dễ bị lôi kéo, nhất là đối với nhóm đối tượng trẻ, công nhân lao động, người dân sinh sống ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa...
Trước tình hình đó, nhằm phát triển hoạt động thương mại điện tử lành mạnh, bền vững, Bộ Công thương đã triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định trong kinh tế thị trường, việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng là rất quan trọng, nhất là trong môi trường thương mại điện tử.
Thời gian qua, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng này, điển hình là tham mưu ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đề án chống hàng giả, kém chất lượng, sửa đổi, bổ sung những quy định xử phạt trong thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Đồng thời, phối hợp tốt với các lực lượng trong phòng chống gian lận thương mại của các địa phương, yêu cầu các website rà soát để ngăn chặn, bóc gỡ hàng ngàn gian hàng giả, hàng kém chất lượng; xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan; tăng cường công tác truyền thông để hướng dẫn người tiêu dùng trở thành người tiêu dùng thông thái.
K.TÂN