Nhân các ngày kỷ niệm của ngành công an vừa qua, tại Bình Dương và một số địa phương đã tổ chức tuyên dương phong trào “Quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT)”, nổi bật trong phong trào này là lực lượng “hiệp sĩ đường phố” được quan tâm khen thưởng cũng như đầu tư phương tiện tác nghiệp. Đây là điều đáng mừng vì có sự thừa nhận một lực lượng chưa có tên trong các văn bản pháp quy về bảo vệ xã hội nhưng đang rất cần trên thực tế. Nhưng có điều cũng đáng suy ngẫm một chút, nếu như ở ngành y tế khi tuyên dương thành tích chữa được nhiều ca bệnh, dập được nhiều ổ dịch... thì phía sau của nó là tình hình dịch bệnh diễn ra trong xã hội nhiều quá. Đối với lĩnh vực ANTT cũng như vậy, khi tuyên dương nhiều phong trào, lập thêm nhiều lực lượng thì cũng đồng nghĩa với tình hình ANTT trên địa bàn đang diễn biến phức tạp.
Ở Bình Dương và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam, hiện nay các loại tội phạm phát triển nhanh đến chóng mặt, khuynh hướng của nó ngày càng manh động hơn. Các báo cáo của ngành quản lý về số vụ phạm pháp ngày càng tăng nhưng nó cũng mới chỉ thể hiện ở mức tương đối vì rất nhiều vụ người dân không khai báo nên không tổng hợp được. Nhiều người cho rằng ngày nay dù ở nhà hay ra đường đều không yên tâm, trong các loại tội phạm thì trộm cắp và cướp giật chiếm tỷ lệ cao nhất, loại tội phạm này hoành hành khắp nơi, đối tượng tham gia cũng đủ loại, vì sao như vậy? Nhiều người cho rằng do khung hình phạt thấp, cơ sở pháp lý quá cặn kẽ, số vụ quá nhiều quán xuyến không nổi... Có những vụ cướp giật do tài sản giá trị thấp nên sáng bắt chiều thả, mà có truy tố chăng nữa thì đây là loại tội phạm “hạt tiêu” nên nhiều quá sẽ gây tồn án... Chính do việc không mạnh tay với loại tội phạm này nên nó mới có đất sống, nhiều tên cướp sau khi giật tài sản đã quay lại cười nham nhở giễu cợt trước sự đau khổ của nạn nhân và sự vô cảm của nhiều người chứng kiến.
Sự phát triển kinh tế làm tập trung dân số khiến ANTT phức tạp là khách quan nhưng để các loại tội phạm phát triển vượt bậc như vậy là có trách nhiệm của ngành quản lý cũng như liên đới các ngành khác. Phát động phong trào nhân dân tham gia bảo vệ ANTT cũng như thành lập các câu lạc bộ phòng chống tội phạm là cần thiết nhưng đó chỉ là nhất thời. Muốn giải quyết vấn nạn này đòi hỏi phải làm từ gốc có sự phối hợp của đồng bộ các lực lượng trong xã hội. Trước hết phải tìm hiểu nguyên nhân và phân loại sự hình thành các đối tượng phạm pháp, đối tượng do không có việc làm mà “bần cùng sinh đạo tặc”, đối tượng do đua đòi nhiễm thói hư tật xấu, đối tượng nghiện ngập, đối tượng chuyên nghiệp... từ đó có các chính sách và giải pháp phù hợp để cắt nguồn phát sinh. Bên cạnh đó phải tăng cường lực lượng tuần tra nhất là thời gian cao điểm, tránh tính hình thức trong tuần tra, đầu tư thêm thiết bị công nghệ thông tin trong kiểm soát để hỗ trợ quản lý nhất là các tụ điểm phức tạp. Cần đề xuất bổ sung theo hướng tăng nặng hình phạt với một số loại tội phạm xem nó đã trở thành vấn nạn xã hội chứ không chỉ còn đơn thuần là phạm pháp bình thường thì mới có tính răn đe cao và việc quan trọng hơn là phải giáo dục ý thức của mọi người dân đồng lòng tấn công tội phạm, phải học tập cách ứng xử của nông thôn ngày xưa khi đầu làng có trộm thì cuối làng nhất tề chặn bắt. Mong rằng với sự nỗ lực của nhiều ngành; nhiều cấp Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ là nơi phát triển trong yên bình, mọi người làm ăn sinh sống vô tư không còn thấp thỏm lo âu khi vắng nhà cũng như khi ra đường, các lực lượng bảo vệ ANTT được “rảnh rỗi” hơn.
NGUYỄN HUỲNH