Người lao động (NLĐ) hiện đang có xu hướng tìm cho mình những công việc phù hợp, có thu nhập ổn định. Ngược lại, không chỉ NLĐ có nhu cầu tìm việc, nhiều doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm nguồn lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Vì vậy, đây là thời điểm mà ngành chức năng cần đẩy mạnh, mở rộng kết nối cung - cầu lao động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và NLĐ trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh, tìm việc làm sau thời gian chịu tác động của dịch bệnh Covid-19.
Tác động bất lợi của kinh tế thế giới sau đại dịch đã khiến cho những ngành nghề hút nhiều lao động như da giày, dệt may, gỗ phải cắt giảm giờ làm hay việc làm, thậm chí là bớt đi lao động. Thời điểm khó khăn này, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì sản xuất, còn NLĐ thông qua các kênh giới thiệu việc làm để sớm tìm được việc làm. So những năm trước, có thể nhu cầu tuyển dụng không cao nhưng hiện tại vẫn có những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau đang có nhu cầu tuyển dụng.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có được nguồn lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh cũng như hỗ trợ NLĐ tìm kiếm được những công việc phù hợp, vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm với kỳ vọng mang lại kết quả tốt, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, tạo cơ hội việc làm cho tất cả NLĐ. Song song đó, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch việc làm.
Trong các nhóm giải pháp để tạo việc làm cho NLĐ thì việc phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm là rất quan trọng. Nhằm kết nối NLĐ với doanh nghiệp, ngành chức năng đã chú trọng tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và NLĐ. Thông qua nhiều hình thức đa dạng như tư vấn trực tiếp, trực tuyến; triển khai sàn giao dịch việc làm đã bắc nhịp cầu, giúp doanh nghiệp và NLĐ giải “cơn khát” lao động, việc làm.
Hiện nay vẫn còn một số lao động chưa có được việc làm ổn định, tình trạng lao động thất nghiệp, nhảy việc vẫn còn, đặc biệt một bộ phận NLĐ dù được đào tạo, có chứng chỉ nghề nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó, việc kết nối doanh nghiệp với NLĐ không chỉ tạo điều kiện để NLĐ có được việc làm mà còn biết được nhu cầu của thị trường lao động đối với tay nghề, trình độ của lao động. Từ đó NLĐ có kế hoạch học tập, còn ngành chức năng, địa phương có kế hoạch đào tạo nghề thiết thực, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Hy vọng các giải pháp này sẽ giúp công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm ngày càng hiệu quả hơn.
NHẬT HUY