Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân lao động

Cập nhật: 14-02-2022 | 18:26:49

(BDO) Thời gian qua, tỉnh Bình Dương luôn xác định lực lượng công nhân lao động (CNLĐ) có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đã có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực chăm lo cho đội ngũ CNLĐ, như về nhà ở, giải quyết việc làm, у tế, giáo dục, đầu tư và nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa, các khu vui chơi, giải trí phục vụ cho người lao động...

 Lãnh đạo tỉnh và Tổng LĐLĐ Việt Nam thăm hỏi CNLĐ tại khu nhà ở xã hội Becamex Định Hòa.

Đời sống văn hóa không ngừng được cải thiện

Toàn tỉnh hiện có 29 khu và 12 cụm công nghiệp, thu hút gần 42.300 doanh nghiệp trong nước và trên 3.750 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, có khoảng 1,6 triệu lao động. Trong những năm qua, các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của CNLĐ không ngừng được tỉnh đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Đặc biệt, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 28-3-2018 về việc đẩy mạnh phát triển loại hình nhà cho thuê (nhà trọ) sang thực hiện nhà ở xã hội cho thuê. Trong đó, tỉnh đã phê duyệt Đề án xây dựng Nhà ở xã hội – Nhà ở công nhân Becamex (giai đoạn 2018-2021).

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng được khoảng 1,33 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC) đầu tư 1,055 triệu m2 sàn, cung cấp 28.916 căn, đáp ứng 82.664 người. Trong đó, đối tượng người mua nhà ở xã hội của Becamex là công nhân chiếm trên 58%, lao động tự do gần 24%, với tổng diện tích khoảng 275.000 m2 sàn tại 17 dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân do các thành phần kinh tế khác đầu tư, cung cấp 4.305 căn hộ, đáp ứng 19.547 người.

Bên cạnh đó, 14 doanh nghiệp xây dựng nhà giữ trẻ, trường mầm non phục vụ 3.000 con CNLĐ. Có 450 doanh nghiệp bố trí diện tích, không gian để người lao động tham gia tập luyện thể thao; khoảng 300 doanh nghiệp bố trí sân khấu, phòng tập, thiết bị âm thanh, dàn máy để sinh hoạt văn nghệ; có 550 doanh nghiệp sử dụng không gian, cơ sở vật chất kết hợp để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao; 12 doanh nghiệp có siêu thị bán lẻ hoặc cửa hàng công đoàn với diện tích từ 20 đến 60m... Với những chủ trương đúng đắn, được triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận CNLĐ trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện. Các vấn đề về việc làm, thu nhập, nhà ở, không gian sinh hoạt vui chơi, giải trí... của đại đa số CNLĐ từng bước được cải thiện.

Tiếp tục phát triển thiết chế văn hóa

Nhằm tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình “Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động  trên địa bàn tỉnh”.

  Con CNLĐ học tại trường Mầm non 28-7 (TX.Bến Cát)

Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 phấn đấu: Hàng năm, giải quyết việc làm cho khoảng 35.000 – 40.000 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%. Mỗi khu công nghiệp có ít nhất 1 khu sinh hoạt văn hóa cho CNLĐ. Xây dựng mới từ 1- 2 trung tâm văn hóa lao động. Có khoảng 1 triệu chỗ ở (gồm nhà trọ đạt chuẩn, nhà ở xã hội, nhà lưu trú hoặc ký túc xá và nhà ở thương mại giá thấp) để người lao động được thuê, mua để ở...

Để thực hiện được các mục tiêu này, Tỉnh ủy Bình Dương đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ chốt thực hiện. Theo đó, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác chăm lo đời sống nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ. Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên là công nhân lao động trong khu vực ngoài Nhà nước nhằm tạo nền tảng, lực lượng chính trị nòng cốt để lan tỏa trong các phong trào, hoạt động hướng về người lao động. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho người lao động về những nội dung cơ bản của công tác giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tuyên truyền, vận động CNLĐ không ngừng học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học, kiến thức pháp luật, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho đội ngũ CNLĐ, xây dựng đội ngũ CNLĐ giàu lòng yêu nước, có tri thức, văn hóa, có ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng, có ước mơ, hoài bão, khát vọng và đủ trình độ, kỹ năng đưa đất nước hội nhập quốc tế trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tiếp tục phát huy hiệu quả các phong trào, các hoạt động chăm lo cho CNLĐ theo hướng phục vụ trực tiếp và đúng đối tượng, thực hiện đồng bộ giữa trách nhiệm và thụ hưởng. Tập trung quan tâm đến người lao động xa quê, người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các thiết chế, trang thiết bị phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động tại doanh nghiệp.

Đỗ Trọng

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên