Nâng chất đội ngũ CNVC-LĐ và rèn bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở là ưu tiên hàng đầu của tổ chức CĐ Việt Nam.
Trong 3 ngày 14, 15 và 16-10, tại TP HCM, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức hội nghị học tập Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn (CĐ) Việt Nam.
Sự nhạy bén của Công đoàn cơ sở Công ty Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP HCM) trong thương lượng, ký kết thỏa ước giúp công nhân hưởng phúc lợi cao hơn luật
Điểm nhấn của hội nghị chính là việc các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp thiết thực để thực hiện hiệu quả 4 chương trình hành động của tổ chức CĐ Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2018. Trong đó, nổi bật là 2 chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT)” và “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động (NLĐ)”.
Cán bộ giỏi sẽ có thỏa ước tốt
Góp ý chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT”, nhiều đại biểu khẳng định đây là việc làm cần thiết để giảm thiểu tranh chấp, nhất là tranh chấp về lợi ích, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp (DN).
Từ thực tiễn giám sát việc ký kết TƯLĐTT, ông Đoàn Hữu Mai, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phân tích: “TƯLĐTT là thỏa thuận giữa tập thể NLĐ và người sử dụng lao động về lợi ích vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, TƯLĐTT tại nhiều DN chủ yếu sao chép luật, rất ít điều khoản có lợi cho NLĐ”.
Chất lượng TƯLĐTT thấp, theo ông Mai, ngoài nguyên nhân DN thiếu thiện chí trong việc thương lượng, biện pháp chế tài chưa có, còn do cán bộ CĐ cơ sở yếu về kỹ năng đàm phán. Để cải thiện, ngoài tăng cường vai trò của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc hỗ trợ CĐ cơ sở thương lượng, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần nghiên cứu, ban hành khung tiêu chí chất lượng TƯLĐTT làm cơ sở cho việc đánh giá.
Theo ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, chất lượng TƯLĐTT phụ thuộc kỹ năng thương lượng của người đàm phán. Do vậy, ưu tiên hàng đầu vẫn là bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở. “Cán bộ giỏi sẽ có thỏa ước tốt” - ông nhấn mạnh.
Theo bà Lê Thị Rết, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An, tranh chấp lao động xảy ra chủ yếu là do cơ quan quản lý lao động thiếu giám sát thực hiện chính sách, nhất là các thỏa thuận đã cam kết trong TƯLĐTT. “Phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại DN, nhất là giám sát thực hiện TƯLĐTT, phải là ưu tiên hàng đầu của CĐ cấp trên” - bà Rết góp ý.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của CĐ cấp trên cơ sở, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, lưu ý CĐ cấp trên cơ sở phải chủ động tham gia quá trình thương lượng ngay từ khâu đầu nếu được CĐ cơ sở đề nghị.
Khuyến khích CN nâng cao trình độ
Theo các đại biểu, quá trình hội nhập của đất nước đòi hỏi NLĐ phải liên tục nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và đó cũng là cơ sở ổn định việc làm, thu nhập. Do vậy, việc Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và NLĐ” đã đáp ứng nguyện vọng của đội ngũ CNVC-LĐ.
Đề cập thực trạng trình độ học vấn, tay nghề của công nhân (CN), ông Nguyễn Thiện Phước, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết theo kết quả khảo sát tại 60 DN trên địa bàn tỉnh, chỉ khoảng 20% lao động học đến cấp 3, 60% đạt trình độ cấp 2, nhiều người thậm chí mù chữ. Ở nhiều DN, việc động viên CN đi học hết sức khó khăn do đặc thù công việc làm theo ca kíp khiến họ mệt mỏi. Điều kiện cơ sở vật chất kém và việc thiếu hụt lực lượng giáo viên cũng là những cản ngại.
Chia sẻ trăn trở này, từ thực tiễn sinh động tại TP HCM, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, cho biết: “Với các đầu mối là Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Tôn Đức Thắng và Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng, LĐLĐ TP chủ trương đa dạng hóa các hình thức mở lớp và liên kết đào tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho CN đến lớp. Được DN hỗ trợ và học tại đơn vị sau giờ làm việc, CN sẽ phấn khởi hơn, kết quả học tập tốt hơn”.
Rèn bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ Công đoàn
“Chất lượng hoạt động CĐ phụ thuộc vào năng lực của đội ngũ cán bộ. Đối với CĐ cấp trên, bên cạnh việc tinh gọn bộ máy, cần dồn sức đào tạo đội ngũ, ưu tiên chọn lựa những cán bộ CĐ có tâm huyết và năng lực; tận dụng tối đa nguồn chi cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ. Tổng LĐLĐ Việt Nam khuyến khích CĐ cấp trên chủ động xây dựng chương trình bồi dưỡng, đào tạo và hoạch định chính sách thu hút nhân tài” - ông Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - khẳng định.
Theo NLĐ