“Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn (CBCĐ)” được Đại hội Công đoàn (CĐ) tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2018- 2023 xác định là 1 trong 4 chương trình đột phá để thực hiện thành công nghị quyết đại hội đã đề ra. Theo đó, nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả sẽ được các cấp CĐ triển khai thực hiện nhằm thực hiện thành công chương trình đột phá này.
Công đoàn VSIP ra mắt CLB Cán bộ công đoàn nòng cốt. Ảnh: T.THẢO
Theo đánh giá, trong thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ, cụ thể là thực hiện Chương trình 1644-Ctr/TLĐ về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ CBCĐ của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã được các cấp CĐ trong tỉnh thực hiện tốt. Các cấp CĐ đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng đa dạng hóa hình thức, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo; tổ chức tập huấn theo chuyên đề, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS) ở các doanh nghiệp. Điều này đã giúp cán bộ CĐCS xác định rõ vai trò của CĐ, từ đó chọn nội dung hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp đặc thù của đơn vị để tổ chức hoạt động; đồng thời xây dựng được các quy chế hoạt động ở cơ sở, kỹ năng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, biết xử lý mối quan hệ trong cơ quan, doanh nghiệp, hát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi CĐCS, góp phần xây dựng CĐCS vũng mạnh.
Điển hình như tại CĐCS Công ty Cổphần Sao Việt hàng năm đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ CĐ dành cho cán bộ tổ CĐ tại công ty. Ông Nguyễn Bình Yên, Chủ tịch CĐCS Công ty Cổphần Sao Việt, cho biết: “Do 100% CBCĐ đều là kiêm nhiệm, nên cả kiến thức và kỹ năng tổ chức hoạt động CĐ còn bộc lộ những hạn chế. Từ thực tế đó, Ban Chấp hành CĐCS công ty thường xuyên hợp đồng với trường Trung cấp Nghiệp vụ CĐ tỉnh bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ CĐCS ở công ty. Sau lớp tập huấn, cán bộ CĐCS đã hoạt động hiệu quả, tự tin và sâu sát với công nhân lao động hơn. Vì vậy, CĐCS công ty đã và sẽ tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để cán bộ CĐCS làm tốt nhiệm vụ của người CBCĐ…”. Được biết hiện nay, CĐCS Công ty Cổphần Sao Việt có 61 tổ CĐ, trong đó 40% tổ trưởng CĐ mới tham gia lần đầu vào Ban Chấp hành CĐCS công ty.
Tương tự, CĐ Các KCN Bình Dương và CĐ KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) đã thành lập được 2 Câu lạc bộ (CLB) CBCĐ nòng cốt. Đây chính là những “thủ lĩnh” công nhân, góp phần cùng tổ chức CĐ đưa hoạt động CĐ tại doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh. Có thể nói, CLB CBCĐ nòng cốt ra đời đánh dấu một bước phát triển mới, đi vào chiều sâu của tổ chức CĐ; là nơi quy tụ những CBCĐ có năng lực, tâm huyết trong phong trào hoạt động CĐ, xây dựng một sân chơi bổ ích, tạo điều kiện giao lưu, học tập, rèn luyện kỹ năng để nâng cao nghiệp vụ công tác, nâng dần chất lượng hoạt động CĐ tại doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là môi trường rèn luyện, giúp cho CBCĐ tự tin, năng động, sáng tạo… để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Anh Trương Thanh Phong, Chủ nhiệm CLB CBCĐ nòng cốt của CĐ KCN Việt Nam - Singapore cho biết: “Tại CLB, chúng tôi trang bị những kỹ năng “mềm” cho CBCĐ, làm sao tạo ra một sân chơi thật sự bổ ích, cởi mở, thân thiện để mọi người hòa cùng vào nhau, tạo một tiếng nói chung. Làm được điều đó thì mới phát huy được hiệu quả hoạt động của CLB, đóng góp vào sự phát triển chung của CĐ VSIP”. Còn theo bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch CĐ VSIP, việc thành lập CLB CBCĐ nòng cốt nhằm mục đích đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ, năng lực tổ chức, quản lý của đội ngũ CBCĐ hiện nay. Ngoài ra, CLB còn tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho CBCĐ; rèn luyện kỹ năng hoạt động đội nhóm, kỹ năng tổ chức sinh hoạt tập thể; hướng dẫn, hỗ trợ công tác tập huấn nghiệp vụ và tổ chức các hoạt động tình nguyện hướng đến cộng đồng…
Ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh cho rằng, việc thành lập được CLB CBCĐ nòng cốt rất có ý nghĩa. Thông qua CLB để tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, cũng như tạo diễn đàn để CBCĐ nắm bắt diễn biến tâm tư người lao động và tình hình hoạt động CĐ; từ đó đưa ra được những giải pháp phòng ngừa hiệu quả. Để CLB hoạt động hiệu quả, phát huy hết tiềm năng, LĐLĐ tỉnh, cũng như CĐ cấp trên cơ sở sẽ tăng cường công tác sự tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết trong hoạt động CĐ cho các thành viên; đồng thời tổ chức các hoạt động thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, cùng nhau đoàn kết, tương trợ, chia sẻ, để CLB thực sự là “cánh tay nối dài” của tổ chức CĐ.
Song song với việc thành lập CLB CBCĐ nòng cốt, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ đã được chú trọng và có sự chuyển biến tích cực theo hướng đa dạng hóa hình thức, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo; tổ chức tập huấn theo chuyên đề; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐCS ở các doanh nghiệp. Qua 5 năm, các cấp CĐ trong tỉnh đã tổ chức 731 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho trên 150.000 lượt CBCĐ; trong đó số lượt ủy viên Ban Chấp hành CĐCS được tập huấn các lớp chuyên đề, nghiệp vụ công tác CĐ đạt trên 90%. Qua đó, CĐ các cấp đã từng bước xây dựng đội ngũ CBCĐ ở cơ sở có kiến thức, kỹ năng, tâm huyết, gắn bó với tổ chức, góp phần xây dựng CĐCS vững mạnh.
Trong nhiệm kỳ 2018-2023, xác định việc tập trung đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh cho đội ngũ CBCĐ là khâu then chốt, LĐLĐ tỉnh đã đề ra chỉ tiêu, giải pháp cụ thể cho công tác này. Theo đó, Nghị quyết Đại hội CĐ tỉnh lần thứ X đã đề ra chỉ tiêu 90% CBCĐ chuyên trách các cấp có trình độ đại học; 100% cán bộ là Ủy viên Ban Chấp hành CĐCS được tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng công tác CĐ. Để làm được điều đó, các cấp CĐ cần đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ; tổ chức tập huấn theo chuyên đề, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho cán bộ CĐCS, nhất là tổ trưởng CĐ ở các CĐCS trong doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ CĐ để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ cho CBCĐ các cấp...
THU THẢO