Mô hình hợp tác xã (HTX) được coi là nòng cốt của thành phần kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tại Bình Dương, mô hình này đã, đang có những chuyển biến tích cực khi các HTX được thành lập mới ngày một gia tăng; nhiều HTX hoạt động hiệu quả, có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Kinh tế tập thể nói chung, mô hình kinh tế HTX nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm; đề ra nhiều chủ trương, chính sách để phát triển. Cụ thể, năm 2002, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; năm 2012, Luật HTX ra đời… Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cũng đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Đây là những chủ trương, chính sách đúng đắn để thúc đẩy xây dựng, phát triển thành phần kinh tế tập thể, kinh tế HTX.
Từ những chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là Luật HTX năm 2012, mô hình HTX trên phạm vi cả nước nói chung và tại Bình Dương nói riêng đã có những bước chuyển mạnh mẽ, phát triển cả về số lượng và chất lượng, hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành trên 230 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, vận tải, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ, môi trường… Điều đáng ghi nhận là các HTX luôn nỗ lực chuyển đổi, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Tại các địa phương có thế mạnh về nông nghiệp như huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên đã hình thành nhiều HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chương trình OCOP để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo dựng được chỗ đứng cho thương hiệu trên thị trường…
Tuy vậy, thực tế tại địa phương cho thấy mô hình HTX hiện vẫn chưa phát triển tương xứng, năng lực còn yếu, đặc biệt là thiếu định hướng trong quá trình mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường, liên doanh, liên kết... Do đó, các HTX cần phải chủ động nâng tầm, không ngừng chuyển đổi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các mô hình gắn với chuỗi giá trị, gắn với thế mạnh và sản phẩm tiêu biểu của địa phương… để HTX thực sự là “bà đỡ” cho nông sản, hàng hóa, dịch vụ…
ĐÀM THANH