Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp với nhiều biến thể, lây lan nhanh trong cộng đồng đã xuất hiện những trường hợp tái nhiễm sau khi đã mắc Covid-19 và được chữa khỏi. Theo các chuyên gia y tế, sau khi khỏi bệnh, cơ thể bệnh nhân sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, lượng kháng thể trong cơ thể được tạo ra có thể không đủ mạnh hoặc tồn tại không đủ lâu để giúp bệnh nhân miễn nhiễm hoàn toàn với bệnh trong thời gian dài.
Thực tế cho thấy, nhiều người từng mắc Covid-19 và đã chữa khỏi đều có tâm lý chủ quan do nghĩ mình có đủ kháng thể nên đã không chú tâm đến các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo của Bộ Y tế như: Luôn đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tụ tập đông người hay không vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý và xây dựng lối sống lành mạnh... Bên cạnh đó, có những trường hợp do môi trường công việc phải luôn tiếp xúc nhiều người, giao lưu, gặp gỡ nên dễ lây nhiễm nếu sơ suất... Vì vậy, việc tái nhiễm Covid-19 trong một thời gian ngắn sau khi mắc là hoàn toàn có thể xảy ra và người bệnh có thể nhiễm hai biến chủng khác nhau. Vậy cần làm gì để ngăn ngừa tái nhiễm trong bối cảnh chúng ta phải thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quảdịch bệnh để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụkép? Theo Tổ chức Y tế thế giới cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực này, ngoài các khuyến cáo đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên, khửkhuẩn nơi ở, sinh hoạt... thì cần phải tiêm vắc xin phòng Covid-19 càng sớm càng tốt và tiêm đầy đủ liều theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Vì vậy, các trường hợp đã mắc Covid-19 hoặc nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng, khi hết thời gian cách ly có thể thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 để ngăn ngừa tái nhiễm. Hơn nữa, hầu hết bệnh nhân tái nhiễm đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có khảnăng lây cho người khác. Qua thăm dò dư luận, một số người còn có tâm lý sợ di chứng sau khi tiêm vắc xin như liên quan di truyền, sinh sản... nên đã ảnh hưởng đến tiến độ bao phủ vắc xin ở một số địa phương. Tuy nhiên, theo phân tích của các nhà khoa học thì bản chất của vắc xin là các thành phần RNA thông tin, khi đi vào trong tế bào sẽ tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống vi rút. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Để ngăn ngừa tái nhiễm cũng như góp phần tạo kháng thể cộng đồng, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho tất cảcác đối tượng nói chung, những người đã từng mắc bệnh nói riêng là cần thiết. Bởi, càng nhiều người trong cộng đồng được tiêm vắc xin thì càng có ít người dễ nhiễm bệnh. Vắc xin đang đóng vai trò rất quan trọng, là vũ khí để chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19.
K.TÂN