Ngành gỗ với “đơn hàng” 20 tỷ USD

Cập nhật: 30-01-2019 | 17:52:18

Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ gắn bó trong suốt chặng đường phát triển của tỉnh Bình Dương. Từ đóng góp khiêm tốn vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, đến nay sản phẩm chế biến từ gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương.

Qua thời đặt đâu làm đó”

Cuối năm, mặc dù rất bận rộn nhưng ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Gỗ Lâm Việt (gọi tắt là Công ty Lâm Việt, TX.Tân Uyên), vẫn dành cho phóng viên Báo Bình Dương một cuộc gặp gỡ, ghi nhận hoạt động sản xuất của công ty. Tại công ty, những ngày này không khí sản xuất rất tất bật bởi những đơn hàng cuối năm 2018 phải giao ngay cho khách hàng theo đơn đặt hàng đã ký. Công ty hiện có hơn 5.000 công nhân, có hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại không thua kém doanh nghiệp có vốn đầu từ nước ngoài.

Năm Kỷ Hợi, ngành gỗ tự tin tiếp tục một năm thắng lợi. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Gỗ Lâm Việt. Ảnh: PHÙNG HIẾU

Nhớ lại khoảng thời gian mới về Bình Dương lập nghiệp, ông Liêm chia sẻ, gần 20 năm trước các cơ sở sản xuất gỗ ở Bình Dương hoạt động với quy mô nhỏ, máy móc, trang thiết bị thô sơ, chủ yếu dựa nhiều vào sức lao động... Bản thân Công ty Lâm Việt cũng xuất phát từ một cơ sở nhỏ, chỉ vài chục lao động. Thời điểm đó, các doanh nghiệp đều biết nhu cầu sử dụng sản phẩm gỗ trên thế giới rất lớn, nhưng để tiếp cận trực tiếp thị trường thế giới thì hầu như chưa có doanh nghiệp nào nghĩ r a cách.

Đối với Công ty Lâm Việt, được thành lập từ năm 2000 nhưng đến năm 2004 mới có được đơn hàng đầu tiên xuất khẩu gỗ sang thị trường Liên minh châu Âu thông qua một doanh nghiệp trung gian. Lúc bấy giờ, các doanh nghiệp gỗ của Bình Dương chủ yếu gia công cho đơn vị đặt hàng, phải qua rất nhiều khâu trung gian nên lợi nhuận không nhiều.

Từ thân phận “đặt đâu làm đó”, với lợi thế nguồn nhân lực dồi dào, nguồn nguyên liệu tại chỗ đa dạng, phong phú, các doanh nghiệp gỗ của Bình Dương nhận ra rằng cần phải chủ động hơn để tìm đối tác, lược bớt khâu trung gian để đem lại lợi nhuận lớn hơn từ sản phẩm gỗ.

Năm 2006, Công ty Lâm Việt bắt đầu tích cực tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, chủ động làm việc trực tiếp với các đối tác nước ngoài có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Đây được xem là bước đột phá chung của cả ngành chế biến gỗ Bình Dương. Ngoài Công ty Lâm Việt, các công ty như Hiệp Long, Trường Thành... cũng bắt đầu có những đơn hàng trực tiếp từ quốc gia có nhu cầu sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ. Từ bước đi đột phá của những công ty gỗ tiên phong, dần dần đã đưa Bình Dương trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu gỗ lớn nhất của cả nước.

Đột phá về công nghệ

Có thể thấy, ngành gỗ của Bình Dương đã có sự thay đổi rất lớn. Hầu hết các doanh nghiệp gỗ đã đầu tư hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng để trang bị máy móc, công nghệ sản xuất tiên tiến. Tham quan nơi sản xuất của các doanh nghiệp gỗ lớn trên địa bàn tỉnh như Hiệp Long, Lâm Việt, Tiến Hưng... cho thấy, cơ ngơi và dây chuyền sản xuất của các công ty này không thua kém các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đó là dấu ấn rất rõ của ngành gỗ Bình Dương trong hơn 20 năm qua.

Ông Liêm tâm tình, Chính phủ đã nhìn ra tương lai “rất sáng” của ngành gỗ cả nước nên đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho ngành gỗ phát triển. Nhờ đó, việc nhập khẩu nguyên liệu, trang bị máy móc hiện đại của doanh nghiệp trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn, qua đó thúc đẩy ngành gỗ cả nước tăng trưởng mạnh mẽ như thời gian qua.

Khi chúng tôi hỏi về “đơn hàng” mà Thủ tướng đã đặt cho ngành gỗ đạt cột mốc 20 tỷ USD vào năm 2025 liệu có thành hiện thực, ông Liêm nở nụ cười đầy tự tin: "Cột mốc 20 tỷ USD hoàn toàn nằm trong tầm tay của ngành gỗ cả nước, khi tăng trưởng của ngành hàng năm luôn ở hai con số. Điều quan trọng nhất là ngoài việc đột phá về công nghệ, các doanh nghiệp gỗ trong nước cũng từng bước đột phá về công tác quản trị nhân sự, điều hành sản xuất, tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, Luật Lâm nghiệp mới có hiệu lực vào năm 2019 sẽ tạo thêm nhiều động lực cho ngành gỗ phát triển bền vững".

Năm mới Kỷ Hợi lại về, với những lợi thế lớn cùng sự chuẩn bị tốt về mọi mặt của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, ngành gỗ của Bình Dương đang tự tin tiếp tục một năm thắng lợi.

Năm 2018, Hội chợ Bifa Wood đánh dấu một mốc son mới của ngành gỗ Bình Dương, đó là Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương đã đủ sức tổ chức những hội chợ chuyên ngành về gỗ quy mô lớn một cách chuyên nghiệp, bài bản. Bên cạnh đó, Bình Dương đã có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp phụ trợ ngành gỗ về Bình Dương đầu tư, từ đó từng bước hình thành chuỗi cung ứng sản xuất, kinh doanh cho chuyên ngành về gỗ.

                PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết
Tags
USD

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=284
Quay lên trên