“Nguồn lực” của sự thấu hiểu

Cập nhật: 30-08-2021 | 07:58:41

Điện, nước giảm tiền, giảm giá, ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ vay mới, ngành thuế miễn giảm, cho chậm nộp… hàng loạt chính sách được quyết định liên quan đến các vấn đề vừa nêu không gì khác hơn là trợ lực cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Chính phủ, các bộ ngành đưa ra những quyết định liên quan đến chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chính là sự thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia rất đáng ghi nhận.

Từ quyết sách của Chính phủ, sự chỉ đạo của các bộ, ngành, những chính sách hỗ trợ liên quan đến các lĩnh vực kinh tế đã và đang đến tận tay đối tượng thụ hưởng. Ngành điện, nước, ngân hàng, thuế đều đã có động thái quyết liệt, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trực thuộc cũng nhanh chóng triển khai. Những con số thống kê, báo cáo của các ngành từ Trung ương đến địa phương đều cho thấy chính sách hỗ trợ đã và đang đi vào thực tế cuộc sống người dân, cũng như doanh nghiệp.

Chỉ riêng ngành điện, từ đầu mùa dịch bệnh đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có tới 4 đợt giảm tiền điện, giá điện với tổng số tiền khoảng 16.300 tỷ động. Hiện tại, ngành điện đang chuẩn bị cho đợt giảm lần thứ 5. Tại Bình Dương, chỉ trong đợt thứ 4 giảm tiền điện, giá điện đợt vừa qua đã có hơn 490.000 khách hàng được thụ hưởng với số tiền hơn 100 tỷ đồng. Cùng với ngành điện, ngành nước, ngân hàng, thuế của Bình Dương cũng đã và đang nỗ lực tối đa, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm đưa nguồn lực chính sách đi ngay vào cuộc sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Sự nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ của các bộ ngành là đã được kiểm chứng, cần ghi nhận. Nhưng thực tế vẫn còn có các vấn đề “lấn cấn” từ thực tế áp dụng, đòi hỏi phải linh hoạt hơn để đối tượng thụ hưởng dễ dàng tiếp cận, đặc biệt là những chính sách từ ngành ngân hàng. Thông tin phản hồi từ một số doanh nghiệp cho thấy, chỉ riêng việc tiếp cận vay vốn hỗ trợ trả lương cho công nhân đã là một việc rất khó đáp ứng điều kiện để được vay. Đơn cử như đòi hỏi doanh nghiệp không vướng vào nợ xấu, trong khi đã gần hai năm họ đã ì ạch duy trì sản xuất trong điều kiện cực kỳ khó khăn. Cùng với đó cũng bởi khó khăn mà doanh nghiệp có thể chưa quyết toán được thuế, không thể bổ sung đầy đủ thủ tục…

Không mong muốn, nhưng rõ ràng đơn vị triển khai, áp dụng chính sách hỗ trợ cũng như đơn vị thụ hưởng đều gặp khó từ thực tế. Và như vậy, nếu không linh hoạt phối hợp giải quyết hoặc sửa đổi quy định sát với thực tế, nguồn lực chính sách sẽ rất khó phát huy hết hiệu quả như mong muốn.

TRIỆU PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=381
Quay lên trên