Nỗ lực học tập để đổi đời

Cập nhật: 09-05-2015 | 08:38:59

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều công nhân (CN) phải tạm gác ước mơ “chinh phục” tri thức để vào Bình Dương mưu sinh. Sau thời gian làm việc, họ khao khát được trở lại trường lớp, tiếp tục thực hiện ước mơ của mình. Vừa học, vừa làm đối với những học viên kiêm CN dù khó, nhưng họ đã vượt qua để có tương lai tươi sáng.

 CN được trao chứng nhận tốt nghiệp tại trường Trung cấp Kinh tế - Công nghệ Đông Nam.Ảnh: T.LÝ

 “Đổi đời” nhờ ham học

Sau giờ làm việc tại công ty, anh Đinh Văn Thiện (SN 1983), CN Công ty Phát Triển (khu phố 9, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) hối hả chuẩn bị sách vở đến lớp. Thắm thoát mà mọi khó khăn, vất vả qua nhanh, giờ đây, anh lấy được tấm bằng loại giỏi ngành Công nghệ thông tin hệ trung cấp tại trường Trung cấp Nghề Bình Dương. Anh tâm sự, 18 tuổi sau khi tốt nghiệp THPT loại khá, anh không dám thi đại học, vì sợ đậu không có điều kiện đến trường. Nhà nghèo, ba mẹ đau ốm thường xuyên và các em còn quá nhỏ, nên anh tạm gác ước mơ trở thành chuyên viên công nghệ thông tin của mình. Khi cuộc sống gia đình tương đối ổn định, anh bắt đầu thực hiện ước mơ. Với tay nghề giỏi, hiện anh được Ban giám đốc chuyển từ làm CN sản xuất lên làm khâu kiểm hàng với mức lương từ 7 - 8 triệu đồng/tháng.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Lệ Sương (SN 1981), Công ty TNHH K.J VINA (TX.Thuận An) từng một thời vừa làm, vừa học. Tại đây, chị sắp xếp thời gian học đại học tại chức chuyên ngành Anh văn. Hiện nay, chị chuyển sang làm nhân viên phòng xuất nhập khẩu của công ty. Chị nói: “Cả ngày làm việc ở công ty, nhưng chiều về tranh thủ ăn gói mì rồi đi học, có khi đến tận 22 giờ mới về. Nhiều lúc, tôi muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ về hoàn cảnh gia đình, phải cố gắng học để sau này hy vọng kiếm được một công việc có thu nhập cao, phụ giúp gia đình”.

Quả thật, với đồng lương CN ít ỏi, xem ra việc tiết kiệm vài triệu đóng học phí cho mỗi học kỳ là chuyện quá sức với CN. Thế nhưng, với ước mơ “chinh phục” tri thức, đổi đời, nhiều bạn CN đã “bấm bụng” tiết kiệm đủ khoản để đến lớp. Tham dự lớp học buổi tối của CN tại các trường mới thấy được tinh thần và ý chí học tập muốn vươn lên của họ. Những gương mặt tuy mệt mỏi sau một ngày lao động nhưng vẫn chăm chú lắng nghe thầy cô giảng bài. Nghị lực và niềm tin đã giúp họ vượt qua những khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống.

Mong muốn được hỗ trợ

Trước nhu cầu học tập của CN, một số doanh nghiệp (DN) đã tạo điều kiện bằng cách cho luân phiên ca, nhưng nhiều DN khác thẳng thừng từ chối. Về phía CN nếu không tăng ca thì khó bảo đảm mức sống đầy đủ, nhưng đã lỡ theo nghiệp học thì đành chấp nhận. “Tăng ca thì bỏ học, không tăng ca thì bỏ tiền. Do đó những tháng nào học nhiều, em phải vay mượn thêm bạn bè để có tiền đóng học phí, gửi về cho ba mẹ. Em rất mong được công ty tạo điều kiện để được đi học”, CN Nguyễn Hải Hậu, đang theo học lớp Điện tử - Viễn thông tại trường Trung cấp Kinh tế - Công nghệ Đông Nam (TP.Thủ Dầu Một) nói.

Đối với những CN trực tiếp sản xuất việc đi học thật sự rất khó khăn vì DN sợ ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Mặt khác, học xong, có tay nghề họ chọn công ty khác để làm. Như vậy, phía công ty mất đi một lượng lao động nên chủ các DN còn e dè trong việc hỗ trợ CN đến trường. Chị Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn KCN VSIP nói, CN là lao động phổ thông chọn cách đi học để mong có việc làm tốt hơn. Tuy nhiên, để chuyển từ lao động phổ thông lên giữ vị trí khác trong công ty thật sự rất khó, phải được tín nhiệm, giỏi chuyên môn. Do đó, nhiều bạn CN sau khi học xong chứng chỉ, bằng trung cấp nghề không làm công ty cũ mà xin việc ở công ty mới, vị trí công việc tốt hơn. Bởi vậy, hầu hết chủ DN không đồng tình, hỗ trợ để CN được đi học.

Bên cạnh việc CN tự chủ động đi học, nhiều DN đã tạo điều kiện mở các lớp ngoại ngữ, đào tạo nghề cho CN tại chính công ty mình, với mong muốn nâng cao trình độ cho CN. Đơn cử, Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (TX.Thuận An) đã phối hợp với trường Trung cấp Nghề kỹ thuật và nghiệp vụ Công đoàn Bình Dương mở các lớp đào tạo ngoại ngữ cho CN. Lớp học thu hút đông CN tham gia. Để thuận tiện cho NLĐ học tập nên các lớp học được bố trí vào các buổi tối hàng tuần và tránh những ngày tăng ca. CN Trần Thị Lành nói, trước đây không biết nói tiếng Hàn, quản lý nói gì cũng chỉ biết đứng nhìn chứ không hiểu. Qua thời gian theo học lớp tiếng Hàn do công ty mở, bạn đã nghe hiểu được nhiều. Giờ đây, khi giao tiếp với quản lý xưởng, bạn đã có thể nói được nên cảm thấy tự tin hơn.

Liên quan đến việc CN đi học, ông Lê Văn Dắt, Chủ tịch Công đoàn KCN Bến Cát nói, CN có thể đến lớp, theo đuổi hết khóa học là điều rất khó, bởi họ phải tự lo từ kinh phí đến thời gian. Thời gian qua, công đoàn cũng đã phối hợp tuyên truyền đến chủ các DN hiểu, hỗ trợ cho CN muốn đi học để họ có chuyên môn trở về phục vụ cho chính DN mình.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=818
Quay lên trên