Doanh nghiệp (DN) trong nước vừa bắt tay khôi phục hoạt động sau một thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 thì căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá dầu thế giới vốn dĩ đã cao lên mức cao hơn trong thời gian gần đây, trong khi nguồn cung trong nước còn hạn chế do cắt giảm công suất từ các nhà máy lọc dầu. Ngay sau khi giá xăng dầu tăng liên tục, lập kỷ lục mới trong vòng 8 năm qua, bên cạnh tâm lý lo lắng của người dân thì nhiều DN đang đứng ngồi không yên trước vòng xoáy giá cả, chi phí.
Có những DN sản xuất đã ký đơn hàng ngay từ trước Tết Nguyên đán 2022 vừa lo xong vấn đề nguồn nhân lực nay lại phải tính toán đến chuyện chi phí tăng thêm khi vận chuyển, vận hành nhà máy. Còn các DN kinh doanh vận tải chịu tác động trực tiếp từ giá xăng dầu cũng than ngắn, thờ dài bởi xăng dầu chiếm khoảng 35 - 40% giá thành vận tải. Hiện nay, nhiều đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này đang nghe ngóng, tính toán để chiều chỉnh cơ cấu giá thành vận tải để có thể duy trì hoạt động.
Theo ông Vũ Quang Thanh, Giám đốc Công ty Vận tải Phương Trinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Bình Dương, mỗi lần biến động xăng dầu thì rất khó khăn cho DN trong kinh doanh cũng như đàm phán với khách hàng để điều chỉnh đơn giá, những hợp đồng đã ký kết từ đầu năm. Các DN đều nhìn nhận rằng, việc tăng giá xăng dầu cần phải có lộ trình và nếu tăng quá nhanh như thời gian vừa qua thì DN sẽ rất khó thoát khỏi vòng xoáy sau đại dịch Covid-19. Việc tăng giá còn kéo theo hệ lụy khác cho các DN, tốn kém tiền bạc, thời gian và cả nguồn nhân lực. Dưới sự cộng hưởng của nhiều yếu tố và tác động dây chuyền, dễ dẫn đến một làn sóng tăng giá. Đó là chưa nói đến nhiều mặt hàng sẽ vin cớ giá xăng để điều chỉnh giá bán... Tất cả sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Để tiếp sức cho DN trong khó khăn, bên cạnh chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan hay như việc đấu giá xăng dầu dự trữ quốc gia vừa được Bộ Công thương lên kế hoạch hy vọng sẽ giúp các DN tiếp tục nỗ lực để thoát khỏi vòng xoáy giá cả. Tuy nhiên, về lâu dài theo các chuyên gia, cần phải khai thác Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiệu quả nhất có thể, chống đầu cơ xăng dầu trước kỳ điều chỉnh. Cần có những quy định cụ thể hơn về mức tăng giá bao nhiêu %, quỹ bình ổn, sự chủ động của DN khi tăng giá… Bên cạnh đó, phí và thuế trong xăng dầu còn quá lớn, hiện nay đang dao động ở mức khoảng 42 - 45%/lít xăng dầu cần phải được giảm xuống. Việc thanh tra của ngành công thương đối với các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu phải được tăng cường, thường xuyên hơn...
K.TÂN