Với sự ưu việt của chế độ Xã hội chủ nghĩa, Nhà nước luôn tạo điều kiện và khuyến khích sự học. Bởi học không chỉ là sự tích lũy kiến thức, khai trí, mở rộng tầm nhìn... mà còn là mục đích của nhiệm vụ nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho xã hội và thực hiện có hiệu quả công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Sự học của người dân luôn được thuận lợi và đa dạng hóa các loại hình học tập. Riêng ở bậc đại học, bên cạnh hệ chính quy, các hệ tại chức, đào tạo từ xa đã thu hút một lượng lớn người học, trong đó đa số là các bạn trẻ. Vì thế, việc TP Đà Nẵng vừa thông báo từ năm 2011 sẽ không tuyển dụng sinh viên (SV) tốt nghiệp vào làm việc trong cơ quan Nhà nước đã gây xôn xao dư luận mà báo chí đã nhiều lần phản ánh. Ai cũng biết, chủ trương của chính quyền Đà Nẵng là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, chủ trương trên không chỉ đã làm buồn lòng cho những SV hệ tại chức ở địa phương trên nói riêng mà còn tạo nên nỗi bức xúc của SV hệ tại chức cả nước nói chung. Bởi đã có sự phân biệt đối xử về bằng cấp giữa hệ chính quy và tại chức. Trong khi đó, các hệ đào tạo do Nhà nước quy định đã ghi rõ trong Luật Giáo dục, bằng đại học chính quy và không chính quy đều bình đẳng như nhau.
Có nhiều con đường khác nhau để mọi người được học tập và học tập suốt đời. Tuy bằng nhiều con đường khác nhau nhưng đích đến vẫn là tích lũy kiến thức mà văn bằng chỉ là thước đo ban đầu để công nhận kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được. Tốt nghiệp đại học hệ chính quy là tốt nhưng có một thực tế rằng không phải ai đỗ đại học tại chức đều là người dở, ngược lại không phải ai đỗ tốt nghiệp đại học chính quy đều là người tài. Điều quan trọng là lực học của mỗi người chứ không phải là cái bằng. Vì thế, bằng tốt nghiệp cần phải bình đẳng trong sử dụng. Xã hội phân hóa giàu nghèo nên việc học mỗi người mỗi hoàn cảnh. Những người gia đình kinh tế khá giả thì con đường học chính quy có điều kiện thuận lợi, rộng thênh thang. Nhưng cũng có những người vì nhiều lý do khác nhau nhưng phổ biến nhất là do nghèo khó. Họ có năng lực, khả năng làm việc nhưng không đủ điều kiện kinh tế để vào đại học chính quy. Hoàn cảnh gia đình không may mắn khiến họ phải lựa chọn hình thức đào tạo tại chức. Thế cho nên, việc phân biệt đối xử là không công bằng.
Từ quyết định của TP Đà Nẵng, ngành giáo dục - đào tạo cũng nghiệm ra rằng xã hội đã có sự phân biệt về chất lượng trong các hệ thống đào tạo. Thực tế, thời gian qua, chất lượng đào tạo của hệ tại chức chưa được nâng cao đúng tầm đã tạo nên cái nhìn chưa đúng mức về hệ đào tạo này. Mặt khác, nó còn tạo nên những kẻ hở cho một bộ phận người học lợi dụng. Bởi có một thực tế là việc thăng chức, lên lương đều cần đến bằng cấp thì không ít người đành “liều thân” đi học, nhất là vì người ta chỉ kiểm tra cái bằng chứ không kiểm tra lực học.
Từ thực tế trên, điều cần làm là làm thế nào để tăng cường chất lượng hệ đào tạo tại chức ở bậc đại học tại các trường vừa góp phần xóa tan sự phân biệt đối xử. Mặt khác, trong chiến lược tuyển dụng không nên phân biệt đối xử với các loại bằng cấp. Nên chăng trong tuyển dụng nếu điều kiện có thể nên tổ chức thi tuyển. Như thế, sẽ không còn cảnh phân biệt hệ tại chức hay chính quy vừa có thể tuyển chọn được người tài đáp ứng cho nhiệm vụ tuyển dụng đã đề ra.
DÂN THƯỜNG