Nơi khởi nguồn làm nên đại thắng mùa xuân 1975

Cập nhật: 20-12-2012 | 00:00:00

   Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (người đứng giữa, hàng đầu) và Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên thệ trong ngày thành lập Mặt trận (20-12-1960)

 Dưới ngọn cờ vinh quang của chủ nghĩa yêu nước

Để tập hợp đông đảo các tầng lớp trí thức và các nhân sĩ, thương nhân, doanh gia cùng tham gia các phong trào của lực lượng yêu nước, ngay sau ngày ra đời, MTDTGP miền Nam ra lời kêu gọi: “Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại! Hãy xiết chặt hàng ngũ chiến đấu dưới ngọn cờ của MTDTGP để đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm”. Bản Tuyên ngôn và chương trình 10 điểm được thông qua tại đại hội vạch ra cương lĩnh cách mạng ở miền Nam. Mục tiêu đấu tranh của Mặt trận cô đúc lại một cách thật ngắn gọn, dễ nhớ và dễ hiểu: “Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình thống nhất Tổ quốc”. Những chính sách này đã thấm sâu trong các phong trào cách mạng sâu rộng, liên tục, đều khắp ở khắp cả miền Nam.

Lịch sử cách mạng Việt Nam từng ghi nhận những đóng góp lớn của một số ủy viên trong các phong trào hoạt động, đấu tranh công khai và bí mật ngay địa bàn trung tâm Sài Gòn - Gia Định. Đó là Chủ tịch MTDTGP miền Nam Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; Phó Chủ tịch, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, bác sĩ Phùng Văn Cung…

Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ cùng những trí thức, nhân sĩ tiêu biểu này, ngay khi ra đời, từ đầu năm 1961, một số tổ chức yêu nước cũng ra đời tại miền Nam, như: Ngày 9-1- 1961, hai tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng và Hội Liên hiệp Thanh niên học sinh ra đời; Ngày 20-2-1961, Hội Nông dân giải phóng; Ngày 8-3-1961, Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng; Ngày 27-4-1961, Hội Lao động giải phóng, sau đổi tên là Liên hiệp Công đoàn giải phóng; Ngày 1-7-1961, Đảng Xã hội cấp tiến miền Nam ra đời. Tất cả các tổ chức yêu nước này, cùng tập hợp những lực lượng yêu nước mạnh mẽ đang dâng cao tại miền Nam, cùng hướng về mục tiêu đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau một năm từ khi ra đời, ngày 16-2-1962, Đại hội lần thứ nhất MTDTGP miền Nam được tổ chức tại Cà Tum, tỉnh Tây Ninh. Đại hội đã bầu ra một Ban Chấp hành TW MTDTGP miền Nam do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Từ đây, các phong trào yêu nước của nhân dân miền Nam, đã có sự kết gắn nhau tại nhiều tỉnh, thành, tại nhiều vùng đô thị, nông thôn.

Những trí thức yêu nước Sài Gòn - Gia Định cùng vào cuộc

Đối với Khu Sài Gòn - Gia Định, lễ ra mắt Ủy ban MTDTGP Khu Sài Gòn được tổ chức trọng thể ở xã Phú Mỹ Hưng (Củ Chi) vào sáng ngày 19-3-1961 do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch.

Ngay sau khi MTDTGP miền Nam và Ủy ban MTDTGP Khu Sài Gòn - Gia Định ra đời, Ban Trí vận - Mặt trận đã được thành lập gồm chủ yếu là các trí thức, nhân sĩ tại Sài Gòn - Gia Định để chịu trách nhiệm vận động các đối tượng trí thức, tôn giáo, giáo chức, tư sản dân tộc ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Từ yêu cầu của tình hình mới, MTDTGP miền Nam chủ trương xuất bản tờ tạp chí lấy tên là “Trí thức mới” và bản tin “Sài Gòn vùng lên” nhằm đăng tải các tin tức về cuộc kháng chiến, công cuộc xây dựng ở miền Bắc, các quan điểm của Mặt trận về các vấn đề trong nước, nhất là ở miền Nam và với bạn bè anh em quốc tế, được quan tâm nhiều vào lúc bấy giờ, để vừa thông tin, vừa là tài liệu cho các trí thức, nhân sĩ trong Ban Trí vận - Mặt trận lấy làm cẩm nang tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của MTDTGP miền Nam.

Mặt trận Khu Sài Gòn - Gia Định đã kết hợp tốt đấu tranh vũ trang với chính trị; trở thành chiến lược của cách mạng ở miền Nam tại các tỉnh trong vùng Mỹ - ngụy chiếm đóng.

Dưới ngọn cờ chính nghĩa của MTDTGP miền Nam và Ủy ban MTDTGP Khu Sài Gòn, suốt 15 năm từ khi thành lập đến ngày giải phóng, các phong trào vận động nhân dân, trí thức đã kết thành một sức mạnh rộng lớn, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, không phân biệt tôn giáo, đảng phái cùng vì một mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Các cuộc đấu tranh trong lòng địch, các vùng nông thôn, mà Mặt trận đã kết gắn các lực lượng trí thức, nhân sĩ, công nhân, nông dân, phong trào học sinh, sinh viên tại Sài Gòn - Gia Định trong những năm từ 1968-1973 đã làm cho Mỹ - ngụy phải luôn luôn tìm cách đối phó. Đây là những nền tảng cách mạng đã được xây dựng một cách vững chắc để đi đến mốc son lịch sử xuân Mậu Thân 1968 và cao nhất là Đại thắng mùa xuân 1975, viết nên những trang sử vàng chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước.

C.T (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên