Nói không với việc tăng giá thực phẩm

Cập nhật: 09-07-2021 | 08:36:18

Số ca mắc mới Covid-19 trong những ngày qua tại TP.Hồ Chí Minh liên tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại đã kéo theo những biện pháp mạnh từ phía chính quyền. Theo đó, TP.Hồ Chí Minh đóng cửa chợ đầu mối và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trong khi Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng đồng loạt thực thi “giấy thông hành” âm tính SARS-CoV-2 đối với những người đến từ TP.Hồ Chí Minh. Điều này có thể dẫn đến sự xáo trộn về mặt lưu thông hàng hóa và tiểu thương đã nhanh chóng lợi dụng tình hình để tăng giá thực phẩm!

Trước thông tin các chợ đầu mối đóng cửa, việc lưu thông hàng hóa sẽ khó khăn hơn do thực thi “giấy thông hành”, giá cả thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh trong mấy ngày qua đã có dấu hiệu “nhảy múa”! Tuy nhiên, qua quan sát thị trường và nắm bắt thông tin từ ngành chức năng cho thấy nguồn cung thực phẩm tươi sống và rau củ quả tại Bình Dương vẫn dồi dào, ổn định. Nguồn cung thực phẩm tươi sống về chợ hàng ngày không giảm, các quầy kệ thực phẩm tươi sống tại siêu thị và cửa hàng tiện lợi luôn đầy ắp với giá cả không thay đổi so với tuần trước. Điều này cho thấy nguồn cung và giá cả thực phẩm tươi sống không có sự biến động. Việc tăng giá thực phẩm tại các chợ là do một số tiểu thương lợi dụng tình hình để “té nước theo mưa”! Bảo đảm ổn định tình hình đời sống người dân là ưu tiên hàng đầu của chính quyền địa phương trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, nguồn cung thực phẩm luôn được xây dựng chi tiết trong các kịch bản phòng, chống dịch bệnh của tỉnh. Người dân không bị cấm ra khỏi nhà để mua thực phẩm thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội… Do vậy, không có chuyện khan hiếm thực phẩm do phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Phòng, chống dịch bệnh luôn đi cùng với việc bảo đảm ổn định đời sống người dân bằng các chương trình bình ổn hàng hóa, bình ổn giá cả. Để thực hiện chương trình này, nhiều doanh nghiệp lớn trong tỉnh đã vào cuộc dự trữ hàng hóa từ rất sớm với số tiền được tỉnh phê duyệt lên đến hàng trăm tỷ đồng cho mỗi mặt hàng cần bình ổn. Thực tế cũng cho thấy qua 3 đợt dịch bệnh bùng phát phải thực hiện giãn cách xã hội trước đây, thị trường và giá cả hàng hóa trong tỉnh luôn ổn định, tình hình cung ứng thực phẩm bảo đảm, nguồn cung dồi dào. Các đơn vị được chỉ định bình ổn hàng hóa và giá cả vào cuộc nhịp nhàng, không để xảy ra tình trạng khan hàng hay tăng giá. Đợt dịch bệnh thứ 4 mặc dù đang có những diễn biến phức tạp, nhưng việc cung ứng hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu người dân đã được tính toán kỹ lưỡng với các kịch bản được xây dựng từ trước, do các doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm đảm trách. Do vậy người dân có thể hoàn toàn yên tâm, không nên mua gom hàng hóa thực phẩm khi chưa có nhu cầu. Dịch bệnh chỉ được đẩy lùi khi toàn dân cùng vào cuộc. Phòng, chống dịch bệnh phải đi cùng với ổn định tình hình xã hội. Nói không với việc tăng giá thực phẩm để ổn định tình hình xã hội cũng là chung tay phòng, chống dịch bệnh trong thời điểm hiện nay.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên