“Nước cho phát triển đô thị” là chủ đề của Ngày Nước thế giới 22-3-2011. Liên hiệp quốc chọn chủ đề này nhằm khuyến khích các Chính phủ, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trên thế giới chủ động tham gia giải quyết các thách thức đối với công tác quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh đô thị hóa.
Con số thống kê mới nhất cho biết, trong lịch sử nhân loại, đây là lần đầu tiên, dân số thế giới sống tại các đô thị tăng nhanh hơn bao giờ hết (khoảng 3,3 tỷ người). Dự báo trong vòng 2 thập niên tới, gần 60% dân số thế giới (khoảng 5 tỷ người) sẽ trở thành cư dân đô thị. Dân số tăng nhanh, kéo theo đó là quá trình đô thị hóa không ngừng gia tăng. Một loạt nhu cầu về cơ sở hạ tầng để phục vụ cho quá trình này được đặt ra. Đây cũng là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia trên thế giới.
Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam cũng đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Tuy nhiên, do sự phát triển chưa cân xứng giữa đô thị và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt nên không những thiếu nguồn nước sạch mà nguồn nước còn bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trung bình mỗi tháng, cả nước có thêm một đô thị mới và dự báo trong vài thập niên tới, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có nền kinh tế đô thị. Kinh tế đô thị phát triển nhanh nhưng việc quy hoạch phát triển đô thị thì ít chú trọng đến lồng ghép về quản lý môi trường, sinh thái hoặc tài nguyên thiên nhiên, trong đó có tài nguyên nước.
Bình Dương là một trong những tỉnh được đánh giá có nguồn nước ngọt phong phú. Thế nhưng, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, trong khi cơ sở hạ tầng về cấp thoát nước chưa đáp ứng kịp đã gây ô nhiễm nguồn nước. Kết quả quan trắc nước mặt trên các con sông chính như Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính cho thấy, môi trường nước mặt đang có dấu hiệu ô nhiễm các chất hữu cơ COD, BOD5 và các hợp chất của ni tơ NH4+, NO3+. Môi trường nước dưới đất cũng có dấu hiệu suy giảm về số lẫn chất lượng. Kết quả quan trắc động thái nước dưới đất từ năm 2003 đến nay ở khu vực Nam Bình Dương cho thấy, mực nước của một số tầng chứa nước liên tục bị suy giảm đặc biệt, tập trung những khu vực công nghiệp và phát triển đô thị nhanh như khu vực Sóng Thần (TX.Dĩ An), An Phú (TX.Thuận An). Mặt khác, nước dưới đất tầng nông đang có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ tại một vài nơi về các hợp chất ni tơ như NH4+, NO3+. Đồng thời, tổng lượng nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt cũng nhiều, trong đó toàn bộ nước thải sinh hoạt đô thị đều chưa được xử lý...
Trước thực trạng suy giảm số lượng và chất lượng các nguồn nước, Bình Dương đã và đang tăng cường kiểm tra, điều tra nguồn tài nguyên quý giá này. Vấn đề đặt ra trước mắt là làm sao xử lý được nước thải sinh hoạt tại đô thị để tránh gây ô nhiễm cho các nguồn nước. Để làm được việc này, điều cấp thiết là mỗi người dân, mỗi tổ chức và toàn xã hội phải nêu cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường nước. Đối với Nhà nước, cần xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng về cấp và thoát nước đến mọi ngõ ngách trong đô thị bên cạnh hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về quản lý cấp và thoát nước một cách bài bản hơn.
MAI HUY