(BDO) Từ ngày trên địa bàn tỉnh xảy ra dịch bệnh Covid-19, cán bộ Ban thường vụ Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh đã phải nỗ lực làm việc hơn 200% sức lao động. Không một ai còn xem mình là người lãnh đạo, chỉ đạo, mà tất cả phải xông pha vào mặt trận chống dịch. Bất chấp nắng, nóng, mưa gió, họ “cày ải” xuyên đêm để bốc vác, phân chia hàng trăm tấn hàng hóa gửi đến các khu nhà trọ, khu cách ly, thẳng tiến vào nhiều doanh nghiệp có F0 để vận động, cùng lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức phòng, chống dịch một cách hiệu quả nhất.
“Thủ lĩnh” áo xanh công đoàn
Để chiến thắng đại dịch, bên cạnh những hình ảnh ướt đẫm mồ hôi của những áo trắng, áo xanh tình nguyện xông pha nơi tuyến đầu, thì hình ảnh những chiếc áo xanh công đoàn càng đậm nét hơn trong việc chăm lo cái ăn cho hàng trăm ngàn lao động trong những ngày khó khăn nhất. Ở mặt trận nào cũng vậy, nếu người thủ lĩnh không gương mẫu, quyết đoán, xông pha, bất chấp hiểm nguy thì khó làm gương cho cán bộ cấp dưới, không thể phát huy hết sức mạnh khối đoàn thể mà mình đảm nhận.
Chị Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLD tỉnh phân chia hàng hỗ trợ đến CNLĐ
Đã hơn 2 tháng trôi qua, chị Nguyễn Kim Loan, người thủ lĩnh cán bộ công đoàn tỉnh đứng ngồi không yên. Một mặt chỉ đạo cán bộ trong Ban thường vụ trực tiếp đến từng doanh nghiệp có F0 để ổn định tinh thần CNLĐ, sắp xếp bố trí phòng, chống dịch; kịp thời lập danh sách, trao hỗ trợ cho các đối tượng F0, F1, đến từng khu cách ly ở TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên, TP.Thuận An... để thăm hỏi, vận động công nhân yên tâm phòng, chống dịch. Mặt khác, huy động cả những cán bộ công đoàn về hưu lao vào “trận chiến”. Người góp công, người góp sức làm ra hàng ngàn hũ chà bông nghĩa tình gửi đến khu cách ly cho công nhân ngon miệng, xem ai thiếu gì, cần gì hỗ trợ ngay.
Có dịp đi cùng người thủ lĩnh cán bộ công đoàn tỉnh trên chuyến xe từ TP.Thủ Dầu Một về TX.Thuận An trao hỗ trợ cho các F0 trong những ngày đầu chống dịch, bản thân tôi cũng khó hình dung được lượng công việc khổng lồ đang đè nặng lên vai nữ thủ lĩnh có thân hình bé nhỏ ấy. 2 chiếc điện thoại trong tay không lúc nào được nghỉ ngơi, liên tục đổ chuông. Vừa điều hành chống dịch, vừa lo cho người lao động thiếu thốn: “Anh ơi, bên công nhân của em đang thiếu rau, thiếu gạo. Chị ơi, khu cách ly ở TX.Bến Cát cần 300 thùng mì...”; “Bên nông trại của anh có còn trái cây hỗ trợ cho công nhân của em không ạ. Em mừng quá, cám ơn anh, chị nhiều, có dịp em hậu tạ sau nhé, chiều em cho người qua nhận hàng...”, cứ mỗi lần nhận được sự giúp đỡ từ các đơn vị, sắc mặt của chị hiện lên sự vui mừng, tươi tỉnh. Ngay chính lúc này, tôi cảm nhận chị không còn xem công nhân lao động là cấp dưới. Đó là tình cảm, sự chăm lo cho người thân, người trong một gia đình thì đúng hơn...
Đã có hơn 300 tấn hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm từ trong và ngoài tỉnh gửi đến LĐLĐ tỉnh để chăm lo CNLĐ. Các trường hợp F0, F1 trong công nhân cũng nhanh chóng nhận được hỗ trợ gần 80 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Các khoản hỗ trợ khác để giúp cho những gia đình CNLĐ khó khăn đã được LĐLĐ tỉnh vận dụng một cách linh hoạt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy “không để ai thiếu ăn, thiếu mặc” trong những ngày giãn cách.
Chị Loan đến thăm hỏi công CNLĐ tại khu cách ly trên địa bàn TX.Bến Cát trong những ngày đầu xảy ra dịch bệnh
Dịch bệnh kéo dài, công việc ngày một nhiều hơn, cũng đồng nghĩa người nữ thủ lĩnh ấy phải quyết tâm cao hơn. Lần gặp chị gần đây, trên gương mặt xinh đẹp ngày nào đã có phần thâm đen, sạm nắng, đôi mắt thâm quầng vì nhiều đêm phải thức trắng cùng anh em chinh chiến trên những chuyến hàng liên tỉnh. Nhưng với sự quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, không để “Công nhân của em” thiếu thốn vẫn kiên định như ngày đầu. “Mệt lắm chứ, anh em trong Ban thường vụ ai cũng mệt, đâu riêng gì mình. Có quyết tâm cao, nhất định sẽ đẩy lùi được dịch bệnh”, chị Loan chia sẻ.
Cùng xông pha “ra trận”
Rất khó để kể hết những công lao của cán bộ công đoàn trong những ngày qua. Nếu như trước đây, có những người là “cô chiêu, cậu ấm”, chỉ biết học tập, ngồi trên bàn giấy để làm việc, thì những ngày qua họ đã đã kề vai, khuân vác hàng trăm tấn hàng trên các chuyến xe. Chuyện thức xuyên đêm, ngày quần quật phân chia cả “núi” hàng hóa thành những phần nhỏ, đã trở thành công việc quen thuộc.
Cán bộ LĐLĐ tỉnh phân chia hàng hóa để trao tận tay CNLĐ ở trọ trên địa bàn
Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh thành lập một đội phản ứng nhanh gồm 30 thành viên, người đứng đầu là Chủ tịch LĐLĐ tỉnh. Lực lượng này đảm nhận một lúc nhiều công việc khác nhau. Đó là khoác lên mình bộ đồ bảo hộ bất cứ lúc nào để vào doanh nghiệp, khu cách ly khi cần. Xuống từng khu nhà trọ rà soát, thăm hỏi xem ai cần gì khi nhận được điện thoại cần trợ giúp. Tranh thủ các nguồn hàng hóa hỗ trợ để tiếp nhận, phân chia, gửi đến từng khu cách ly, nhà trọ. Đến từng địa điểm lấy mẫu xét nghiệm nơi có đông công nhân lao động để hỗ trợ bà con lấy mẫu... Không kể ngày hay đêm, cứ nhận được điện thoại là các anh, chị cán bộ công đoàn lên đường ngay. Có khi họ ra đi làm nhiệm vụ khi đã 2-3 giờ sáng, cũng có khi trở về nhà trong khoảng thời gian ấy. Thời gian với họ lúc này không còn phân định rạch ròi như thường lệ. |
Anh Nguyễn Duy, cán bộ Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh tâm sự: “Khi bốc xếp những chuyến hàng đầu tiên, về đến nhà là tay chân rã rời, nhức mỏi. Làm miết nhiều tháng nên em cũng quen dần. Chưa lúc nào mà chiếc áo xanh của em cũng vắt ra nước vì mồ hôi như thế này. Có nhiều hôm về nhà mệt chỉ uống nước chứ không thể ăn, nhưng nghĩ lại bao nhiêu người công nhân đang nằm phòng trọ chờ từng lon gạo, mớ rau lại tiếp thêm động lực. Vậy là ngày mai lại đứng dậy lên đường, quên đi mệt mỏi anh ạ”.
Còn anh Hoàng Văn Trung chia sẻ: “Tất cả vì người lao động nên cán bộ công đoàn làm việc bằng cái tâm, với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Dù một lúc có nhận về từ 30 đến 50 tấn hàng hóa đi nữa, chúng em cũng phải cẩn thận phân chia thành hàng ngàn phần nhỏ, phải tranh thủ từng phút để làm sao số hàng rau, củ, quả không bị thối, bị héo. Nhất là những chuyến hàng từ tỉnh bạn, khi vượt hàng trăm km về đến Bình Dương có số lượng nhỏ bị úa, héo. Vậy là phải ngồi suốt ngày bốc tách ra những lá rau đã hư, phải làm sao để quà đến tay người lao động phải dùng được. Mình phải trân trọng tấm lòng từ bà con phương xa và cả người lao động tỉnh nhà”.
Họ tâm sự rằng, mỗi cán bộ công đoàn luôn vì người lao động lúc khó khăn, luôn làm việc với tinh thần cao nhất và cẩn trọng nhất có thể. Tuy không ai nói ra, nhưng ai cũng có một nỗi lo nhất định khi làm nhiệm vụ. Đó là lo cho gia đình, người thân, vì dịch bệnh không trừ một ai. Mỗi ngày khi đi làm về nhà, họ phải khử khuẩn, tắm rửa sạch sẽ. Có khi 2-3 ngày liền làm nhiệm vụ, không được nhìn mặt con. Cứ thế, họ phải chiến đấu từng giây, từng phút với bộn bề cộng việc trong khoảng 3 tháng qua. Chỉ hy vọng, sự nỗ lực ấy sớm đem lại kết quả, được thấy người lao động của mình sớm được quay lại nhà máy làm việc như ngày nào.
Quang Tám