Phải là công bộc của dân

Cập nhật: 18-04-2013 | 00:00:00

Thời gian qua, một số địa phương đã ban hành quy định hoặc có biện pháp “mạnh tay” hơn đối với đội ngũ cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) vi phạm giờ giấc hành chính, uống rượu bia trong giờ hành chính, buổi trưa… đã từng gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Cách đây không lâu, tỉnh Ninh Thuận kiểm điểm nghiêm khắc CBCCVC bị “bắt quả tang” hành vi “ăn gian” giờ làm việc. Năm 2008, Tỉnh ủy Hà Tĩnh ban hành chỉ thị hẳn hoi về việc “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ CBCCVC, CB chiến sĩ lực lượng vũ trang”. Long An sau 8 năm thực hiện quy định cấm CBCCVC uống rượu bia say trong giờ làm việc đã xử lý kỷ luật 10 cá nhân vi phạm.

Mới đây, dư luận hoan nghênh việc UBND tỉnh Trà Vinh thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy về cấm uống rượu bia trong giờ hành chính và buổi trưa. Cá nhân vi phạm có thể bị kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc cắt hợp đồng lao động. Ở Bến Tre, Thanh tra công vụ thuộc Sở Nội vụ sẽ thanh tra đột xuất các cơ quan, đơn vị từ tỉnh xuống huyện, xã về lề lối làm việc, tinh thần thái độ phục vụ của công chức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; những người đi muộn về sớm, làm việc lề mề… sẽ bị lập biên bản để xử lý kỷ luật. 22 sở ngành cơ quan trong tỉnh đã được lên danh sách nằm trong diện “thăm viếng bất ngờ”. Rồi ở Quảng Bình, Thường vụ Tỉnh ủy vừa có công văn yêu cầu UBND tỉnh xem xét trách nhiệm của người đứng đầu và xử lý kỷ luật nghiêm đối với CBCCVC, người lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang... vi phạm các chỉ thị về chống lãng phí, thực hiện nếp sống văn hóa và kỷ cương hành chính.

Phải ghi nhận một điều, hiện nay có một bộ phận CBCCVC đến công sở thì làm việc nửa vời, thậm chí lề mề, ăn gian giờ làm việc, ngồi hàng quán vào giờ hành chính, uống rượu bia buổi trưa làm ảnh hưởng đến công việc buổi chiều. Nhất là CBCCVC của những cơ quan thường xuyên tiếp xúc với người dân.

Có thể nói, ý thức trách nhiệm về công việc của CBCCVC thời gian gần đây được nâng lên rất nhiều. Đặc biệt, cuộc vận động xây dựng người CBCCVC “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” do ngành công đoàn phát động nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng người CBCCVC mẫu mực, mẫn cán, góp phần xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân đã thực sự có sức lan tỏa. Có thể nói, cuộc vận động này gắn với cải cách hành chính đã làm thay đổi nhận thức của người cán bộ công chức. Chỉ khi người CBCCVC có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, tận tụy với công việc, thay đổi tác phong, thái độ làm việc thì mới tạo được sự hài lòng của người dân. Và như thế người CBCCVC ở các cơ quan công quyền mới thực sự là “công bộc” của dân.

 NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=248
Quay lên trên