Công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa.
Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Bình Dương vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất trong tỉnh và cả nước về số lượng lẫn chất lượng. Do đó, tỉnh đã và đang tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước.
Hiện nay, Bình Dương đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Vì thế, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của tỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Tỉnh cũng đã xây dựng và ban hành chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương. Cụ thể như tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp ngày càng hiện đại, đồng bộ, hình thành khu công nghiệp khoa học công nghệ, khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị điện tử để phục vụ chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao của địa phương; từng bước giảm lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động phổ thông và gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án Phát triển ngành cơ khí tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2030, Bình Dương trở thành một trong các trung tâm cơ khí mạnh của vùng, có khả năng sản xuất các loại máy móc thiết bị chuyên dùng hoàn thiện, sản phẩm cơ khí đạt tiêu chuẩn quốc tế, thay thế hàng nhập khẩu và phục vụ xuất khẩu, có khả năng sản xuất các sản phẩm cơ khí công nghệ cao phù hợp với xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư quốc tế lớn bắt đầu chuyển dịch chuỗi cung ứng đến Việt Nam mà Bình Dương là một trong những điểm đến được lựa chọn đã tạo ra nhiều cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ phát triển. Bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài thì mới đây Tập đoàn Trường Hải (THACO), nhà đầu tư trong nước cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ để xây dựng khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, dự kiến quy mô khoảng 26.000 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD). Đây được xem là doanh nghiệp “đầu tàu” trong tiên phong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam nói chung. Phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ là điều kiện đủ để phát triển các cụm liên kết ngành, công cụ hữu hiệu giúp nâng cao cạnh tranh, đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế. Nói như Chủ tịch Tập đoàn THACO Trần Bá Dương thì “Công nghiệp hỗ trợ là công nghiệp hỗ trợ cho các ngành chính, nhưng thiếu công nghiệp này thì các ngành khác không thể tồn tại”.
TRUNG ĐỒNG