Tích cực tìm “đầu ra” cho hàng hóa

Cập nhật: 18-02-2023 | 07:27:11

Các hoạt động kết nối giao thương, cung cầu hàng hóa để mở rộng thị trường đang được tỉnh đẩy mạnh, nhất là trong giai đoạn “hậu Covid-19”. Thông qua đó, các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã và đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối cùng chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường để tìm đầu ra cho hàng hóa.

Thời gian qua, Bình Dương đã triển khai nhiều hoạt động kết nối cung cầu, với mục đích mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm của DN, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm tiêu biểu), sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu… vào các chuỗi bán lẻ, siêu thị, kết nối với các sàn thương mại điện tử. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tăng cường hơn nữa các hoạt động liên kết các vùng miền, trao đổi, hợp tác cung ứng, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ giữa các tỉnh, thành trên cả nước. Thông qua các chương trình, hội thảo, hội nghị kết nối cung cầu, các DN có thêm nhiều cơ hội giới thiệu, chào hàng sản phẩm; đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như phát triển thêm các kênh quảng bá, kinh doanh sản phẩm, đưa sản phẩm lên kệ hàng của các chuỗi bán lẻ trong và ngoài tỉnh.

Các hoạt động xúc tiến thương mại đã hỗ trợ thiết thực cho DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã giới thiệu và tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng. Tích cực tìm đầu ra cho hàng hóa phải ghi nhận vai trò của ngành công thương. Thời gian qua, ngành công thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các đơn vị khởi nghiệp, sản phẩm OCOP trong công tác xúc tiến thương mại, truyền thông, tạo điều kiện đưa sản phẩm thế mạnh, nổi bật của tỉnh vào các kênh phân phối, bán lẻ trong và ngoài địa phương. Trong đó, với tiềm năng kinh doanh và lợi ích từ việc tham gia sàn thương mại điện tử, các DN trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng và dịch vụ sẽ có nhiều cơ hội nâng cao hiệu quả kinh doanh như chi phí đầu tư ban đầu thấp, bán hàng trên phạm vi rộng và liên tục cập nhật, mở rộng khách hàng tiềm năng. Song song đó, là các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kết nối cung cầu; kết hợp giữa phương thức phân phối hiện đại và truyền thống để bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội, chủ động thích ứng với mọi tình huống…

 NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=404
Quay lên trên