Phát triển giao thông kết nối vùng

Cập nhật: 13-04-2022 | 07:55:11

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch và triển khai nhiều dự án giao thông kết nối. Tuy không có cảng hàng không, cảng biển, nhưng Bình Dương có vị trí tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh, là cửa ngõ kết nối Đông Nam bộ với các tỉnh Tây nguyên... nên dễ dàng kết nối đến các cảng biển, cảng sông và sân bay quốc tế. Do đó, Bình Dương phát triển hệ thống hạ tầng giao thông không những đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh mà còn phải đáp ứng nhu cầu kết nối vùng, khu vực.

Thời gian qua, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng giao thông của Bình Dương cũng đang gặp phải những khó khăn như quá tải tại các tuyến giao thông huyết mạch. Mục tiêu đặt ra cho Bình Dương là cần sớm giải quyết được tình trạng này. Trong đó, công tác quy hoạch phát triển giao thông cần xây dựng dựa trên phối hợp liên ngành, quy hoạch hạ tầng giao thông đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị, đặc biệt là các tuyến giao thông huyết mạch. Chiến lược quy hoạch tổng thể hạ tầng giao thông gắn với phát triển đô thị hiện đại, góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương và vùng đổi mới sáng tạo. Do đó, thời gian tới tỉnh tập trung đầu tư các trục đường giao thông trọng điểm, huyết mạch, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa. Cụ thể, đường bộ hoàn thành các dự án giao thông trục Bắc - Nam, Đông - Tây mang tính liên kết vùng; đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm logistics, cảng cạn, bến bãi, điểm trung chuyển hàng hóa; xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống giao thông thông minh, chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông - vận tải. Trong đó, tập trung đầu tư hoàn thành các dự án cải tạo, mở rộng các tuyến đường huyết mạch hiện hữu như quốc lộ 13; đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng, các dự án đường Thủ Biên - Đất Cuốc; đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng…

Bên cạnh đó, Bình Dương tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển phù hợp với điều kiện thực tế, quá trình phát triển đô thị, kết nối vùng, thu hút đầu tư về các địa phương phía bắc của tỉnh. Vì vậy, nhiều năm qua, Bình Dương đã chủ động đi trước trong phát triển hệ thống giao thông, tạo ra sự khác biệt rõ nét. Bên cạnh những thành quả về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hạ tầng giao thông của Bình Dương được đánh giá là một điểm sáng, là một trong những địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông khá tốt của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=265
Quay lên trên