Quý I-2022, vốn đầu tư nước ngoài vào Bình Dương đã tăng 310% so với cùng kỳ năm 2021, vượt kế hoạch cả năm 2022. Không chỉ tăng về số lượng, mà dòng vốn FDI đầu tư vào tỉnh còn chất lượng hơn. Nhiều dự án trong lĩnh vực công nghệ, chế biến, chế tạo, năng lượng vươn lên dẫn đầu, đang dần thay thế những dự án ít giá trị gia tăng. Đặc biệt, dự án 1,3 tỷ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đầu tư tại Khu công nghiệp VSIP III cho thấy Bình Dương đang phát triển theo hướng tăng trưởng xanh.
Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển, Bình Dương đã có sự phát triển vượt trội trên nhiều mặt, trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của cả nước và có sức hút đặc biệt trong thu hút đầu tư nước ngoài. Lego là một điển hình, dù trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát nhưng Bình Dương vẫn được “đại bàng” Lego lựa chọn “xây tổ”. Dự án hứa hẹn mang đến 4.000 cơ hội việc làm trong những năm tới, là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn này và có đầu tư cho sản xuất năng lượng mặt trời, bảo đảm không bị ô nhiễm môi trường, khói bụi và chất thải. Để có được “hấp lực” FDI chất lượng cao hiện nay, Bình Dương đã trải qua một hành trình bứt phá, từ những trăn trở, suy tư, tầm nhìn chiến lược đến những quyết sách táo bạo để triển khai các chương trình, kế hoạch trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tỉnh. Hiện nay, trước những tiến bộ vượt bậc của khoa học, công nghệ, những đột phá của cuộc cách mạng 4.0 đã đem đến nhiều cơ hội cho tăng trưởng. Nắm bắt xu hướng mới, tỉnh đã kịp thời đề ra các chủ trương, định hướng để đầu tư cho các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội như: Xây dựng chính quyền số, thành phố thông minh, khu công nghiệp khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp đô thị, công nghệ cao… Đây chính là bước đi bền vững, giải quyết được nhiều vấn đề xã hội phức tạp cũng như ô nhiễm môi trường... đã xảy ra trong quá trình phát triển.
Ngày nay, xu hướng tiêu dùng của các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới đã thay đổi, họ không chỉ quan tâm đến mẫu mã, chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến vấn đề phát thải khí nhà kính. Theo đó, những sản phẩm may mặc, thiết bị điện, thực phẩm... sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường sẽ được quan tâm nhiều hơn. Do đó, phát triển nền kinh tế xanh trở thành yếu tố quan trọng để Bình Dương tiếp tục nâng cao vị thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của đất nước...
K.TÂN