Người dân cả nước vừa trải qua dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch) với nhiều hoạt động hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của tiền nhân lập quốc. Mặc dù mới được “luật hóa” và trở thành Quốc lễ từ năm 2007, nhưng Giỗ tổ Hùng Vương là dịp lễ lớn, có bề dày đi cùng lịch sử dân tộc, được các thế hệ người dân Việt Nam tiếp nối giữ gìn. Mục đích của dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương không gì khác là để nhắc nhở con dân đất Việt về nguồn cội, từ đó tạo sự đoàn kết gắn bó để tạo nên sức mạnh dân tộc.
Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng ba. Câu ca dao trên được lưu truyền từ đời này qua đời khác đã ăn sâu vào tâm khảm của con dân đất Việt. Đã là người dân Việt Nam thì dù ở miền xuôi hay miền ngược, là đa số hay thiểu số, có tôn giáo hay không tôn giáo và dù ở thời nào cũng đều có chung một ngày để nhớ về nguồn cội. Giỗ tổ Hùng Vương vì vậy đã trở thành sinh hoạt tín ngưỡng đặc biệt, có ý nghĩa lịch sử, văn hóa sâu sắc đối với người dân Việt Nam. Ngoài ý nghĩa nêu trên, Giỗ tổ Hùng Vương còn là biểu hiện thiêng liêng, cao đẹp về tinh thần đoàn kết, từ đó làm nên sức mạnh dân tộc. Đây chính là sức mạnh nội sinh kết tinh từ cội nguồn dân tộc, được giữ gìn và vun bồi suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.
Với ý nghĩa như vậy, kể từ năm 2007 Giỗ tổ Hùng Vương chính thức được đưa vào luật là ngày nghỉ lễ được hưởng lương đối với người lao động. Kể từ đó, vào ngày này hàng năm người dân cả nước đều tổ chức nhiều hoạt động hướng về cội nguồn. Cùng với phần hội do các cơ quan Nhà nước tổ chức, những năm gần đây nhiều gia đình đã tự tổ chức phần lễ thiên về tín ngưỡng vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương theo đúng tiêu chí mà UNESCO đã vinh danh từ 10 năm trước. Nếu trước đây trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình vào ngày này chỉ có mâm trái cây với bình hoa, thì nay nhiều gia đình đã dâng cúng Quốc Tổ mâm cơm tươm tất. Dẫu biết trước cúng sau ăn, nhưng đây vẫn là tấm lòng của con dân đất Việt đối với tiền nhân, ít dân tộc nào trên thế giới có được.
Trong hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” vì vậy đã được UNESCO vinh danh.
Và, cho dù có được UNESCO vinh danh hay không thì Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm vẫn mãi là ngày hội chung của cộng đồng con dân Việt Nam trên khắp thế giới; là ngày quy tụ mọi trái tim đập chung một nhịp, mọi cặp mắt nhìn cùng một hướng để Việt Nam tiếp tục thăng hoa trên con đường đi tới.
LÊ QUANG