Quan hệ Nga - Nhật Bản dần tan băng

Cập nhật: 30-04-2013 | 00:00:00

Hôm qua, Nga và Nhật Bản đã nhất trí khôi phục lại đàm phán về hiệp ước hòa bình vĩnh viễn giữa hai nước. Việc bày tỏ quyết tâm vượt qua “những khác biệt” trong vấn đề tranh chấp quần đảo thông qua đàm phán của hai nhà lãnh đạo đã cho thấy tín hiệu lạc quan trong mối quan hệ vốn đóng băng hơn 60 năm qua giữa hai cường quốc.

Phát biểu trước báo giới sau hai giờ hội đàm tại điện Kremlin, Tổng thống Nga Putin nói: “Các cuộc đàm phán về bản chất đã bị đóng băng trong những năm gần đây, và hôm nay chúng tôi đã nhất trí sẽ nối lại liên lạc trong vấn đề này”.

  Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo AbeCòn Thủ tướng Nhật Bản Abe bày tỏ: “Chúng tôi đã nhất trí sẽ làm sống lại các cuộc đàm phán và sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán. Tôi coi đây là một kết quả lớn của cuộc gặp này”.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng thận trọng khi nói rằng, sẽ phải mất một khoảng thời gian và cần sự nỗ lực không ngừng nghỉ trước khi tất cả các vấn đề có thể được giải quyết. Theo ông Putin, điều này không có nghĩa rằng các vấn đề tồn tại sẽ “được giải quyết hết ngày một ngày hai, khi mà các vấn đề này đã không thể được giải quyết trong suốt 67 năm qua”. Quyết tâm chính trị này, ít nhất cũng giúp hai bên tiếp tục làm việc “về vấn đề tuy phức tạp nhưng rất quan trọng đối với cả hai nước”.

Nhật Bản và Nga đã nhất trí thành lập một mô hình đàm phán mới “2+2”, liên quan đến việc tham vấn giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của hai nước. Việc này sẽ thúc đẩy mức độ tin cậy song phương trong “lĩnh vực quốc phòng và an ninh”, Thủ tướng Abe cho hay.

Mối quan hệ Nga-Nhật Bản trong hơn 60 năm qua đã bị phủ bóng bởi tranh chấp lãnh thổ chung quanh quần đảo Kuril, mà phía Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương bắc ở phía Bắc Thái Bình Dương, bao gồm các đảo Iturup, Kunashir, Shikotan và Habomai. Chính tranh chấp lãnh thổ này cũng ngáng đường để hai nước tiến tới ký kết một hiệp định hòa bình vĩnh viễn kể từ khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc.

Khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II, các quần đảo này thuộc kiểm soát của quân đội Xô-viết. Nhật Bản vẫn tuyên bố chủ quyền với quần đảo này. Hồi tháng 1, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori đề xuất Nhật Bản nên cố gắng thu hồi ba đảo trong số nhóm đảo này, để lại đảo Iturup cho Nga để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị nội các Nhật Bản bác bỏ.

Nga cho đến nay cũng tuyên bố không bao giờ từ bỏ chủ quyền với nhóm đảo này. Năm 2010, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã thực hiện chuyến thăm của một nhà lãnh đạo đất nước đầu tiên tới quần đảo Kuril, sau đó nói rằng Nga sẽ tăng cường sự hiện diện quân đội tại đây. Sự kiện này đã làm dấy lên căng thẳng ngoại giao với Tokyo.

Những căng thẳng lãnh thổ cũng ảnh hưởng không nhỏ tới lĩnh vực kinh tế song phương Nga-Nhật Bản. Dù Nhật Bản là bạn hàng chính của Nga về năng lượng, nhưng trong năm ngoái, thương mại của Nga với Nhật Bản đạt 32 tỷ USD. Con số này chỉ giúp Nga đứng thứ 15 trong tổng số các đối tác thương mại quan trọng của Nhật Bản.

Với quyết tâm chính trị của hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Nga lạc quan nhận định rằng sự phát triển mối quan hệ kinh tế song phương với Nhật Bản sẽ là cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề tồn tại giữa hai nước, trong đó có việc ký một hiệp ước hòa bình.

Chuyến thăm này của ông Abe dường như đã làm ấm lại mối quan hệ vốn đóng băng lâu dài giữa hai cường quốc. Sự ấm lên trong quan hệ hai nước không chỉ thể hiện trong các cam kết mà hai nhà lãnh đạo tuyên bố, mà còn cả trong cử chỉ hai nhà lãnh đạo dành cho nhau. Một quan chức ngoại giao Nhật Bản cho hay, trong bữa tiệc chiêu đãi Thủ tướng Nhật Bản Abe đã tặng Tổng thống Nga một bộ đồ trượt tuyết, còn Tổng thống Nga dành cho ông Abe một chai rượu vang có tuổi từ năm 1855, đúng vào năm ký kết hiệp ước thân thiện Nhật Bản-Nga đầu tiên.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà ông Putin lại chọn chai rượu vang được sản xuất vào năm 1855 cho nhà lãnh đạo Nhật Bản.

Những cử chỉ thiện chí đó đã bước đầu góp phần tạo dựng được mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai người đứng đầu hai nhà nước. Thủ tướng Abe nói: “Tôi cảm thấy rằng chúng tôi đã xây dựng được mối quan hệ cá nhân tin cậy”.

Thủ tướng Nhật Bản đã mời Tổng thống Nga Putin tới thăm Tokyo vào năm 2014.

Có thể thấy, dường như trong bối cảnh sự phụ thuộc giữa các quốc gia ngày ngày lớn, những thị trường truyền thống như châu Âu đang lâm vào khủng hoảng, Mỹ cũng mới thoát khỏi đà suy thoái, không có cách nào khác là cả Nga và Nhật Bản cùng phải ngồi vào bàn đàm phán, tìm ra những điểm chung để giải quyết “các khác biệt”, cùng bảo đảm hòa bình lâu dài cho sự phát triển của cả hai nước.

Theo Báo Nhân Dân

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=261
Quay lên trên