Quốc tế tìm giải pháp cho Syria và Mali

Cập nhật: 02-02-2013 | 00:00:00

Ngày 1/2, Hội nghị An ninh quốc tế thường niên đã khai mạc tại Munich (Đức) với sự tham dự của gần 400 nhà hoạt động chính trị, bao gồm các nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng, đại diện giới kinh doanh, khoa học và các tổ chức nhân quyền khắp nơi trên thế giới.

  Đại diện của Đức phát biểu khai mạc Hội nghị an ninh quốc tế ngày 1/2 Trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh và kinh tế thế giới vừa trải qua một năm đầy biến động, trọng tâm của các cuộc thảo luận tại Hội nghị lần này là tình hình Syria và cuộc xung đột tại Mali, nơi những nhóm cực đoan đang kiểm soát miền Bắc, cũng như những vấn đề nóng trong khu vực và toàn cầu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Thomas de Maiziere nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ an ninh xuyên Đại Tây Dương. Về vấn đề can thiệp quân sự của Pháp ở Mali, ông de Maiziere nhấn mạnh rằng: "đó là quyết định đúng và bắt buộc đối với Pháp", nhưng nói thêm rằng việc phát triển cấu trúc gìn giữ hòa bình khả thi dài hạn tại Mali là một “quá trình rất phức tạp”. Ông kêu gọi Pháp "đóng một vai trò nổi bật hơn trong NATO" đồng thời mong muốn Vương quốc Anh có vai trò an ninh lớn trong Liên minh châu Âu".

Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận triển vọng giải quyết các cuộc xung đột ở Trung Đông, đặc biệt là tại điểm nóng Syria. Phát biểu tại Hội nghị, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab về vấn đề Syria, ông Lakhdar Brahimi kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải hành động để chấm dứt xung đột đang diễn ra ở Syria.

Ông Brahimi nói: "Chúng ta cần một quyết định rõ ràng từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để thiết lập một chương trình nghị sự cho một giải pháp hòa bình. Chúng ta có quyền hy vọng nhưng hy vọng không có nghĩa được quên đi sự thật khách quan. Thẳng thắn mà nói thì bây giờ chúng ta nhận thấy đất nước Syria ngày càng bị phá hủy, và việc tìm ra giải pháp cho vấn đề Syria ngày càng khó khăn hơn”.

Chủ tịch Liên minh Dân tộc Syria (SNC) đối lập, ông Moaz al-Khatib cũng  tuyên bố sẵn sàng ngồi xuống bàn đàm phán với chính phủ của Tổng thống al-Assad nhằm "xoa dịu nỗi đau của người dân Syria" nhưng nhấn mạnh rằng mục tiêu của ông là "lật đổ chế độ bằng các giải pháp hòa bình".

Bình luận của ông Khatib đã cho thấy sự chuyển hướng rõ ràng của phe đối lập Syria, vốn luôn cương quyết từ chối đàm phán với chính phủ.

Trong thời gian diễn ra Hội nghị, các đại biểu tham dự cũng đề cập tới một loạt các vấn đề quốc tế khác như tương lai an ninh của châu Âu - Đại Tây dương, trong đó có sự hợp tác giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các vấn đề an ninh năng lượng, tình hình ở Đông Nam châu Âu, cuộc khủng hoảng tài chính ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), vai trò của Liên minh châu Âu (EU) trong thế giới hiện đại và vấn đề bảo đảm an ninh mạng, tăng cường sức mạnh quân sự của châu Âu...

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=270
Quay lên trên